Bảo hiểm nhân thọ thời lạm phát

Sau một năm 2008 trôi qua với ít nhiều thất vọng, ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã nhanh chóng “lấy lại phong độ” với năm 2009 thành công mỹ mãn dù nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Đã có những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp BHNT đã thành công ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì không có lý do gì để lo ngại cho năm 2010, khi nền kinh tế đang hồi phục nhanh chóng.

Lo ngại lạm phát…

Những con số tăng trưởng doanh thu khai thác mới đạt 38,4%, tổng doanh thu gần 15% trong năm 2009 đã khiến nhiều người bất ngờ. Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có được kết quả trên, một phần rất lớn là do nỗ lực của đội ngũ đại lý bảo hiểm và nhận thức của người dân về bảo hiểm được cải thiện.

Tuy nhiên, bước sang năm 2010, một yếu tố được nhắc đến như một lời cảnh báo, đó là lạm phát. Trong 10 năm qua, năm 2008 được ví như năm “mất mùa” hiếm hoi của ngành BHNT. Nếu như thông thường, số lượng hợp đồng khai thác mới tăng 15%-20% hằng năm thì năm 2008, số lượng hợp đồng khai thác mới giảm gần 14%.

Vào cuối năm 2008, khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân không hứng thú với việc mua BHNT, ông Phùng Đắc Lộc cho rằng lạm phát cao là một trong những nguyên nhân chính. “Lo ngại đồng tiền mất giá khiến cho các đại lý bảo hiểm khó thuyết phục người dân mua bảo hiểm hơn” - ông Lộc bình luận.

Bảo hiểm nhân thọ thời lạm phát ảnh 1

Các đại lý kinh doanh bắt tay cam kết mang lại tiết kiệm hiệu quả cho khách hàng.

Mặc dù mức lạm phát tới hai con số của năm 2008 không phải là phổ biến. Tuy nhiên, với bản chất là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam thường phải đối mặt với lạm phát. “Nhìn chung, những năm lạm phát tăng cao luôn là những thời điểm khó khăn cho ngành bảo hiểm” - ông Lộc cho biết.

… Và đi tìm lời giải

Cũng theo ông Lộc, để ngành bảo hiểm phát triển một cách ổn định, kể cả trong điều kiện lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có những giải pháp cụ thể đối với tác động của lạm phát lên tâm lý người mua bảo hiểm.

Trên thực tế, theo ông Takashi Fujii - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty BHNT Dai-ichi Life Việt Nam, việc chia sẻ với khách hàng rủi ro về lạm phát không phải là việc khó khăn. “Hiểu một cách đơn giản, công ty BHNT thu phí của người mua bảo hiểm rồi đem số tiền đó đi đầu tư. Trước đây, nguồn lợi nhuận từ đầu tư chỉ để đảm bảo các quyền lợi thông thường của người mua bảo hiểm thì nay sẽ đảm bảo thêm quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp đồng tiền mất giá. Trong một nền kinh tế mà mức độ lạm phát thấp như của Nhật Bản, điều này không có nhiều ý nghĩa nhưng với mức lạm phát cao hơn của Việt Nam, điều này thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng của các công ty BHNT” - ông Fujii giải thích.

Trên tinh thần đó, mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam đã giới thiệu “Quyền lợi hỗ trợ trượt giá” với hai sự lựa chọn “bảo vệ” và “tiết kiệm” dành cho những khách hàng tham gia sản phẩm An thịnh chu toàn - sản phẩm thuộc dòng bảo hiểm liên kết chung đang rất được khách hàng ưa chuộng.

Cụ thể, với lựa chọn yếu tố “bảo vệ”, “Quyền lợi hỗ trợ trượt giá” sẽ giúp số tiền bảo hiểm của sản phẩm chính An thịnh chu toàn sẽ tự động tăng mỗi năm theo tỉ lệ cố định là 5% hoặc 10% mà khách hàng không cần phải thẩm định lại tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp khách hàng quan tâm đến yếu tố “tiết kiệm”, “Quyền lợi hỗ trợ trượt giá” sẽ thiết lập cho khách hàng một kế hoạch đóng phí đều đặn với mức phí bảo hiểm dự kiến hằng năm được điều chỉnh tăng 5% hoặc 10%. Qua đó, giá trị tài khoản của hợp đồng sẽ sinh lợi và tích lũy nhanh chóng hơn.

“Chúng tôi mong rằng khoản giá trị tăng lên này sẽ hỗ trợ khách hàng bù đắp phần trượt giá theo thời gian và vẫn đảm bảo mức tăng trưởng mong muốn cho những mục tiêu tài chính trong tương lai”- ông Fujii chia sẻ.

GIA AN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm