Anh thương binh một tay “lái” 2.000 chiếc taxi

Rồi cũng tại đây, chính ông - Bảy Chiến cụt tay đã đấu luật với các chuyên viên của Bộ GTVT để bảo vệ quyền lợi cho xã viên.

Từ vị khách cụt tay không mời...

Giữa năm 2007, Bộ GTVT ban hành hàng loạt quyết định liên quan đến vận tải hành khách liên tỉnh, xe buýt và taxi... Những quyết định này phá vỡ hoạt động vận tải đang ổn định, đặc biệt nó đụng đến quyền sở hữu xe của xã viên ở các hợp tác xã (HTX). Hàng loạt bản kiến nghị được các HTX gửi tới các ngành TP và trung ương về văn bản trái luật, trái thẩm quyền trên của Bộ GTVT. Tháng 3, trước bức xúc của các HTX, Bộ GTVT cử đoàn công tác vào TP.HCM để khảo sát, nắm tình hình. Nhưng nơi đoàn đến lại là những đơn vị không bị ảnh hưởng bởi các quyết định tréo ngoe trên!

Cuối tháng 3, tại Sở GTCC, đoàn mời 15 đơn vị vận tải đến để lắng nghe ý kiến. Nhưng các đơn vị được mời này đa phần hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch hoặc vận tải hàng hóa và ý kiến chung của họ là ít bị ảnh hưởng bởi các quyết định của Bộ GTVT. Cuộc họp tưởng kết thúc thuận chèo thì một ông cụt tay trái giơ tay phải, đứng lên nói thẳng: “Quý đoàn mời sai đối tượng rồi thì làm sao nghe, làm sao nắm được bức xúc của những người chạy taxi, xe buýt, xe khách liên tỉnh. Chúng tôi là những người hoạt động trên lĩnh vực taxi đang phải chịu khổ vì các quyết định của Bộ nè!”. Ông Trần Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, trưởng đoàn, ghé ngang tai đồng sự hỏi: “Ai vậy?”. “Đó là Phạm Quyết Chiến, thương binh 2/4, chủ nhiệm HTX taxi 27-7, quận 11!”.

... Đến ông thương binh giỏi luật!

Ông Chiến dẫn ra Luật HTX, Luật Doanh nghiệp để chứng minh không hề có quy định nào buộc xe của xã viên muốn kinh doanh taxi phải chuyển sở hữu sang tên HTX. “Bộ GTVT tự đưa ra những quy định trái luật thì chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng để bảo vệ xã viên của mình”. Nhiều thành viên trong đoàn khảo sát của Bộ GTVT khá bất ngờ vì lần đầu tiên trong chuyến công tác tại TP.HCM đụng phải một ông thương binh nắm luật chắc chắn, lập luận sắc sảo đến vậy. Nhưng ông Chiến chỉ cười và bảo: Muốn làm ăn đúng luật, bảo vệ được xã viên, đưa HTX ngày càng tiến lên thì phải học, nắm luật và mạnh dạn đấu tranh với những quy định chưa phù hợp.

Ở HTX 27-7, Bảy Chiến (tên thường gọi) là chỗ dựa của hàng ngàn xã viên. Xã viên nào bị phòng kinh tế hành về thủ tục kinh doanh, ông xắn tay áo nhào vô gỡ. Ai bị cơ quan chức năng gây khó dễ trong cấp tem taxi, ông cũng vào cuộc... “Xã viên của tôi phần lớn là bộ đội xuất ngũ, gom góp, vay mượn khắp nơi mới có được chiếc xe để kiếm cơm mà bị các cơ quan chức năng gây khó dễ. Nếu mình không bức xúc, chia sẻ, gánh vác cùng anh em thì còn gì chất lính, chữ tình của người thương binh...” - Bảy Chiến nói.

“Lái” 2.000 xe bằng đầu

Còn nhớ có một khoảng thời gian tại TP.HCM đã ra đời hàng loạt HTX taxi nhưng chỉ một thời gian sau đều bị ngắc ngoải, xập xệ rồi... chết luôn. Với Bảy Chiến, lập ra HTX không phải để tạo ra cái ghế cho ông chủ nhiệm ngồi rung đùi thu và ăn phí quản lý của xã viên mà phải tổ chức, quản lý kinh doanh đàng hoàng, bài bản.

Năm 2003, với 100 triệu đồng vay được, Bảy Chiến trang bị ngay hệ thống tổng đài bộ đàm (để không phải “chơi” kiểu “taxi ngoắc”, “taxi vẫy”) và sắm bốn chiếc xe KIA đời đầu làm taxi. Thấy Bảy Chiến bước đầu làm ăn có bài, anh em từ các nơi kéo về đầu quân, số xe dần tăng lên trên 50 chiếc. Khi đã được hành khách chấp nhận thương hiệu taxi 27-7, Bảy Chiến bàn cùng anh em không thể xài mãi những chiếc xe đời cũ mà phải đổi đời, nâng cấp xe cho tương xứng với các hãng xe lớn. Phương án HTX đứng ra bảo lãnh cho xã viên vay ngân hàng, mua xe mới trả góp thay thế xe cũ được đưa ra và mức giá cước thấp hơn các hãng khác đã tạo ra ưu thế cạnh tranh cho 27-7. Đến năm 2005, số đầu xe của HTX 27-7 đã lên tới trên 2.000 chiếc. Xe đông, Bảy Chiến bắt tay vào việc tổ chức thành các tổ, đội xe hoạt động trên khắp địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. “Chúng tôi phải xây dựng đội ngũ lái taxi chuyên nghiệp, bộ máy quản lý tinh gọn thì mới có thể có được giá thấp hơn, cạnh tranh được với các hãng lớn” - Bảy Chiến nói.

Thương binh Bảy Chiến (tên thật Phạm Quyết Chiến) sinh ngày 10-10-1950 tại Trung Lập Hạ, Củ Chi trong gia đình có truyền thống cách mạng.

- 1966-1967: Học xong tú tài, học cơ khí, tham gia cách mạng với vai thợ cơ khí chuyên đi tìm mua máy cũ ở các cơ sở quân sự của địch để nắm tình hình.

- Năm 1968: Thoát ly, tham gia lực lượng an ninh vũ trang liên khu Sài Gòn-Gia Định.

- Năm 1969: Bị thương ở chiến khu Lộc Ninh, hạng 2/4.

- Năm 1971: Được đưa ra Bắc trị thương và học tập.

- Sau 1975: Trở về Sài Gòn làm việc tại Sở Công nghiệp.

- Năm 2003: Thành lập và làm chủ nhiệm HTX taxi 27-7 cho đến nay.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm