Agribank chung tay xây dựng nông thôn mới

Sau gần 5 năm Agribank thực hiện cho vay thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến 30-9 có tới  8.985 xã/9.001 xã của cả nước có khách hàng vay vốn theo chương trình này.

Những hành động cụ thể

Để làm được điều đó Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp như chỉ đạo từng chi nhánh căn cứ đề án xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện và vướng mắc khó khăn trong quan hệ vay vốn với khách hàng… Từ cuối năm 2011, Agribank bắt đầu triển khai cho vay đối với 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới như Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang), Gia Phổ (Hương Khê - Hà Tĩnh), Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam)… Agribank cũng đã phối hợp với Thời báo Ngân hàng tài trợ Cuộc thi viết Chung tay xây dựng nông thôn mới nhằm tuyên truyền để nhiều người hiểu rõ về chương trình này. Đến đầu năm 2012, Agribank ban hành “Kế hoạch hành động của Agribank hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Kế hoạch chi hoạt động an sinh xã hội tăng cường huy động vốn và hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới từ nguồn an sinh xã hội”… Và năm 2014, Agribank triển khai “Chương trình thi đua ABIC cùng Agribank chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Ấn tượng từ những con số

Tập trung ưu tiên nguồn vốn cung ứng đầy đủ, kịp thời là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của chương trình. Khởi điểm là việc cho vay đối với 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới vào cuối năm 2011 với dư nợ ban đầu đạt 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng dư nợ. Sau gần 5 năm triển khai chương trình này, đến nay, 100% chi nhánh Agribank trong hệ thống đã thực hiện cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã/9.001 xã của cả nước. Đến 30/9, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank đạt 243.434 tỷ đồng (tăng 29.001 tỷ đồng, tương đương 13,5% so với cuối năm 2014) và 2.508.915 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, muối… hay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn… Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn – là lĩnh vực có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều chi nhánh Agribank có dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới cao từ 7.000- trên 10.000 tỷ đồng/địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Hà Tây, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai…

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2 (2016- 2020), Agribank xác định cho vay xây dựng nông thôn mới tiếp tục là một trong những chương trình tín dụng trọng tâm. Ngoài kế hoạch đồng bộ, Agribank sẽ có kế hoạch và các chương trình cụ thể cho các địa phương để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua đó cùng ngành Ngân hàng tiếp tục có những đóng góp tích cực vào thành công chung của Chương trình quốc gia quan trọng này.

Agribank đã vinh dự được nhận Thư khen của Chủ tịch nước về thành tích góp phần xây dựng nông thôn mới; 03 đơn vị của Agribank gồm Agribank Bắc Giang, Agribank Hà Tĩnh và Agribank Hậu Giang đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Agribank được Đảng, Nhà nước, ngành ngân hàng cùng cộng đồng biết đến và ghi nhận là ngân hàng thương mại đi đầu trong phát huy trách nhiệm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; được trao các giải thưởng "Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng", “Vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm