Trung thu bị người lớn... chiếm dụng

Trung thu đến, tôi bỗng nhớ đến truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó của nhà văn hiện thực Nam Cao, khi thấy cảnh những đứa trẻ con nhà nghèo đứng thập thò thèm thuồng nhìn hàng dãy bánh Trung thu hấp dẫn trong tủ kính. Trong truyện Nam Cao, nhân vật chính với giọng kẻ cả “khóa mõm” lũ trẻ đang thèm thịt chó nhỏ dãi, rằng trẻ con không được ăn, để các ông đánh chén với nhau. Lũ trẻ con nhắc đến trong bài này chẳng bị ai “chặn họng” không cho ăn bánh Trung thu cả nhưng chỉ vì cha mẹ chúng là những thị dân nghèo không thể mua nổi cái bánh cho con ăn mà thôi!

Tết Trung thu của ai?

Nhiều người không hiểu tại sao còn cả tháng nữa mới tới Trung thu mà các quầy bánh Trung thu đã bày hàng quá sớm vậy? Bởi từ giữa tháng 7 âm lịch người ta đã tranh thủ mua bánh Trung thu biếu xén sớm các quan để bày tỏ lòng thành kính trước tiên và mong được các sếp chiếu cố, kẻo người khác mua tặng trước mất. Và nếu biếu trễ, nhỡ “hàng” về nhiều quá, sếp sẽ không còn nhớ ai tặng cái nào, có “nhưn” gì đặc biệt trong đó không thì hỏng việc! Một số khác thì mua biếu các đối tác làm ăn. Nên có khi những hộp bánh cao cấp được biếu tặng chạy lòng vòng như đèn cù.

Có một sự nghịch lý: Trong khi đám trẻ con nhà quan, nhà giàu thừa mứa chẳng thèm ngó ngàng gì đến chồng bánh Trung thu cao cấp người ta mang tặng thì bọn trẻ con nhà nghèo thành thị khó có cơ hội được ăn bánh Trung thu vì giá bánh hiện nay quá đắt so với thu nhập của đa số bà con lao động. Một hộp bánh Trung thu chuẩn để biếu phải từ bạc triệu trở lên. Hộp bốn cái giá bèo nhất cũng vài trăm ngàn đồng, số tiền đủ để đi chợ cho cả nhà ăn mấy ngày. Đó là chưa nói mùa Trung thu đến khi mùa tựu trường vừa qua, bao nhiêu thứ tiền phải đóng: nào học phí đầu năm, tiền mua sách vở, đồng phục, tiền bảo hiểm…

Những niềm vui nhỏ

Cả một bộ phận không nhỏ bọn trẻ con những công nhân nhập cư, chạy xin vào được một trường tiểu học công lập ở TP là cả vấn đề, lo toan tiền bạc cho con đầu năm học mới cũng đã toát mồ hôi hột, còn nói gì đến chuyện bánh Trung thu! May ra chờ khi nào hết mùa Trung thu, các quầy bán đại hạ giá những chiếc bánh hết hạn dùng, khô cứng thì bọn trẻ con nhà nghèo mới được cha mẹ mua cho một cái về cắt chia năm xẻ bảy. Nhiều bánh “quá đát” bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm. Tội nghiệp mấy đứa trẻ con nhà nghèo, có được miếng bánh thì ăn, đâu cần biết còn hạn, hết hạn!

Một chiều Chủ nhật, tôi đi thăm đứa cháu làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình trở về, tình cờ bắt gặp hình ảnh mấy đứa trẻ chừng sáu, bảy tuổi ở một dãy nhà trọ tuềnh toàng, hồn nhiên vừa đẩy những chiếc đèn Trung thu làm từ lon bia gắn trên những chiếc que, có gắn cả đèn cầy bên trong và cũng quay như những chiếc đèn cù, vừa hát “Tết Trung thu rước đèn đi chơi…”. Tò mò, tôi hỏi mấy đứa bé ai làm đèn cho mấy cháu? Chúng chỉ về phía cuối dãy nhà trọ. Tôi lân la đến xem một anh thanh niên đang đục lon bia làm đèn Trung thu. Anh gắn lon bia đã đục lỗ, bên trong có gắn đèn cầy, vào hai cái bánh xe đồ chơi nhỏ xíu và một cái que nhỏ làm cán để đẩy. Anh nói giọng Quảng, Chủ nhật rảnh, tranh thủ làm mấy cái đèn cho lũ trẻ trong xóm chơi, chúng thiếu thốn, thiệt thòi quá. Một tâm hồn đẹp và đơn giản như những chiếc đèn cù tự chế, như cuộc đời những người công nhân, mỗi ngày nai lưng cắm cổ đổ mồ hôi làm việc nhưng hưởng thụ chẳng được bao nhiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm