Tiểu thương ‘tám’ chuyện thời cuộc

Mấy ngày qua đi đâu cũng nghe người dân TP bàn tán về “thời cuộc”. Không chỉ những cán bộ hưu trí vốn là những người hay quan tâm thời cuộc, mà cả những công chức, doanh nhân, trí thức trẻ… cũng “đăng đàn” ở các quán cà phê, quán nhậu bình dân. Đề tài được nhiều người TP quan tâm nhất là phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng trước Quốc hội. Nhưng tôi thật bất ngờ khi nghe mấy bà tiểu thương ở các chợ… tranh thủ lúc vắng khách cũng ra rả bàn tán, tranh luận chuyện thời sự có vẻ rành rẽ lắm.

 “Té ra mấy chị cũng quan tâm tới chuyện quốc sự”

Nguyên do tôi vào các chợ ghi nhận được các bà tiểu thương bàn chuyện thời cuộc là do một người bạn xa Sài Gòn lâu năm trở về, nhờ tôi dắt đi thăm lại các chợ truyền thống Sài Gòn để nhớ lại một thời. Bạn tôi lo rằng với đà phát triển như vũ bão của hệ thống siêu thị bán lẻ của cả các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài, một ngày không xa chợ truyền thống sẽ bị xóa sổ. Tôi nghĩ là bạn tôi lo xa. Theo tôi, chợ truyền thống sẽ tồn tại song song với các hệ thống siêu thị. Tôi đưa bạn tôi đi tham quan một vòng các chợ Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Bà Chiểu… Chợ Bến Thành - ngôi chợ nổi tiếng nhất và là biểu trưng của Sài Gòn một thời gian dài trước khi biểu tượng của TP được đổi sang Nhà Rồng. Chợ có nề nếp buôn bán văn minh, tuy giá cả có hơi cao hơn các chợ khác nhưng nhiều người vẫn thích đi chợ này. Kể cả những người không có nhu cầu mua sắm, đi chợ chủ yếu tham quan như bọn tôi.

Đi xem và nghe tiếng người mua kẻ bán. Chợt nghe tiếng mấy chị tiểu thương bàn tán rất sôi nổi về chuyện mấy ông bà bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về an toàn thực phẩm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tiếng một chị bán thịt: “Chỉ có việc đơn giản là tịch thu và phạt nặng mấy người nhập chất cấm trong chăn nuôi mà không làm được, làm ảnh hưởng tới những người chăn nuôi, buôn bán đàng hoàng”. Một bà bảo: “Nghe nói mấy thứ đó là dược liệu nhập về làm thuốc chữa bệnh ho hen gì đó, sao lại dùng nuôi heo tạo nạc. Mà dược liệu sao lại nhập cả hàng mấy chục tấn để tuồn ra ngoài bán cho mấy người chăn nuôi vô lương tâm? Bà bộ trưởng Y tế trả lời nghe không thông. Còn ông bộ trưởng Công Thương hay Nông nghiệp tôi quên mất bảo là chưa chết ai nên không thể truy tố hình sự. Hết biết!”. Bạn tôi vừa đi vừa gật gật đầu ra vẻ rất thú vị: “Té ra mấy chị cũng quan tâm tới chuyện quốc sự đấy chứ”. “Vì nó liên quan mật thiết tới công việc buôn bán làm ăn của họ mà. Kể cả ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình, bà con họ nữa, không lo sao được”.

Chuyện du lịch của nước mình sao tệ quá

Cũng như chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn, chợ Bà Chiểu là biểu tượng lâu đời của vùng đất Gia Định bên cạnh Lăng Ông. Chợ Bà Chiểu tuy chỉ cách trung tâm Sài Gòn chừng bốn, năm cây số nhưng trước kia được coi là vùng ngoại thành, bà con tiểu thương vẫn còn mang tính cách vùng ven, tính tình chơn chất. Dạo một vòng quanh chợ, ngang qua mấy gian hàng bán hoa ngay cổng chợ, bạn tôi bấm nhẹ tôi ra dấu hãy lắng nghe. Tiếng một bà oang oang giọng Nam Bộ rặt: “Tui không xem trực tiếp được nhưng đọc báo thấy ông bộ trưởng Văn hóa du lịch gì trả lời mắc cười quá. Ai đời đường đường là một bộ trưởng mà nói “Tui không dám trả lời, trách nhiệm truyền lại cho bộ trưởng kế nhiệm!””. Một bà bán quần áo gần đó chen vào: “Thì cũng phải thông cảm cho ổng chứ, một mình mà lo cả văn hóa, thể thao, du lịch làm sao xiết. Mà cái chuyện du lịch của nước mình sao tệ quá, đừng nói so với Thái, với Singapore, theo lời một bà đại biểu thì bây giờ mình chạy theo Lào, Campuchia mà còn không kịp. Thiệt là tệ!”.

Nghe mấy bà tiểu thương ngoài chợ nói mà lòng tôi cảm thấy xốn xang. Tôi bèn kéo ông bạn ra quán bia ngoài bờ kè Hoàng Sa ngồi ngắm sang bên kia bờ Trường Sa, làm vài ly cho đỡ “sầu đời”. Vừa ngồi xuống đã nghe mấy vị khách bàn bên tranh luận về chuyện mấy ông bộ trưởng Xây dựng và Kế hoạch Đầu tư đùn đẩy trách nhiệm về việc đầu tư công lãng phí trong khi nợ công tăng chóng mặt. Một người nhắc lời một đại biểu Quốc hội như lời giải thích chuyện đầu tư xây dựng: “Vào buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ, nhiều cán bộ tranh thủ vét chuyến chót”.

Bạn tôi bảo thôi đừng nghe nữa, hãy làm vài ly xả stress. Anh nhấp một ngụm bia nhìn mấy tiểu cảnh ở công viên bên cầu Bùi Hữu Nghĩa, bên kia đường Trường Sa lại có một cây cầu nhỏ chạy luồn phía dưới, ven bờ con kênh trong vắt. Anh cảm thán: “Mình rùng mình khi nhớ lại con kênh nước đen ngòm, hôi thúi ngày xưa. Không thể tưởng tượng bây giờ nó thành một con sông đào thơ mộng với con đường chạy hai bên quá lãng mạn”.

Nghe bạn nói mà cảm thấy nhẹ lòng như vừa trút được một gánh nặng mình tự đặt trên vai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm