Tâm hồn Sài Gòn qua tập sách ảnh

Ảnh là thứ mà người sau có thể nhìn lại người trước nhưng chưa hẳn đã nhìn thấy. Để có tư liệu nhìn thấy rõ hơn về những sinh cảnh Sài Gòn xưa, qua những bức ảnh đã sưu tập hay chụp được, tác giả Tam Thái đã dành cả chục năm để lục lọi, thâm nhập thực địa đối chiếu.

Tập sách ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn của Tam Thái là bộ sưu tập hình ảnh và sưu khảo một số hoạt động ngày xưa, về miền đất trẻ thân yêu này. Mốc thời gian 150 năm là từ năm 1863 đến 2013. Năm 1863, thời điểm Pháp vừa chiếm xong và bắt đầu đặt nền móng cai trị. Đó cũng là năm vừa ra đời các bức ảnh đầu tiên chụp về Sài Gòn. Tác giả xem đây như công trình tập thể. Nhiều hình ảnh và tư liệu trong sách được Tam Thái thừa hưởng từ người xưa. Số còn lại do tác giả chụp được và sưu tầm.

Sách dày 520 trang in 910 tấm ảnh về Sài Gòn qua các giai đoạn lịch sử như: Hình bóng và tư liệu Sài Gòn thời Pháp thuộc; Sài Gòn thập niên 1950… Đa số đó là ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm được bằng nhiều nguồn. Đặc biệt là phần Hình bóng Sài Gòn qua ống kính Tam Thái trong phần Sài Gòn thập niên 1980. Từ những bức ảnh này ta sẽ được nhìn lại lớp học bình dân học vụ sau tháng 4-1975 tại phường Nguyễn Cảnh Chân với phần “phụ chú”: “Cô kia má đỏ hồng hồng, cô không biết chữ nên chồng cô chê. Nhưng cũng có một thứ mù tai hại hơn đó là mù văn hóa: mê rượu, mê bạc. Khạc nhổ ra đường văng tục tứ phương, nhả xương xuống đất, hất hủi mẹ cha, bỏ mặc người già…

Mỗi tấm ảnh chụp được sắp xếp theo từng chủ đề như Dáng xưa Sài Gòn qua ảnh với những con đường trước kia vắng vẻ nay đã mọc lên những cao ốc giữa thời mở cửa thập niên 1990; Vài kiến trúc Sài Gòn năm xưa; Sài Gòn mấy chuyện đời thường; Ký ức một dòng sông; Hình bóng ngoại thành qua ống kính Tam Thái; Sài Gòn - TP.HCM đầu thập niên 2010... đều có một chú thích với giọng tưng tửng, một kiểu nói Sài Gòn. Thí dụ như ảnh của một người đạp xe xích lô dừng xe bên đường Ngô Đức Kế, quận 1 uống nước mía rễ tranh, Tam Thái đã thêm một chú thích “Nước đá được liệt vào món xa xỉ. Điện cúp liên miên, lấy đâu ra đá. Phần lớn được làm từ tủ lạnh gia đình. Đá cây là hàng mua tiêu chuẩn. Ra đường, nhan nhản mấy tấm bảng viết bằng than, bằng phấn ghi món hàng đang bán: “Bia lên men lạnh, nước ngọt Chương Dương, đặc biệt có đá!”.

Có lần, vào năm 2011 tác giả đem tấm ảnh cũ chụp vào thời điểm sau ba năm đổi mới 1989 nhưng không thể xác định một khu phố cổ trong ảnh hiện nằm ở vị trí nào trong thời đại kim tiền lên ngôi. Bức ảnh chụp một khu phố cổ đẹp không thua những con phố cổ ở Singapore. Rồi tác giả so sánh: “Có điều khác biệt là những khu phố cổ ở Singapore được bảo tồn gần như nguyên vẹn lúc mới xây. Từ từng cánh cửa gỗ mái ngói, vách tường cho đến những chi tiết khắc nổi trên nóc, trên mặt tiền… Trốn chạy cái bóng là chối bỏ cuộc đời. Cuộc sống hôm nay nếu được giàu sang, thì càng phải biết tôn trọng cái nền móng đã tạo ra nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhạt nhòa giá trị lịch sử, nguyên nhân lớn nhất là ham lợi trước mắt mà thiếu tầm nhìn tương lai…

Chỉ có tấm lòng như thế, nhà nhiếp ảnh người miền Trung, hơn 40 năm qua là lưu dân ở TP Sài Gòn nhưng vẫn giữ được một kho ảnh khá đồ sộ về Sài Gòn theo tiến trình lịch sử mà theo tôi đây là những ảnh hiếm. Trong đó có cả những ảnh vào thời kỳ đầu của năm 1975. Thật đáng trân trọng.

Tiếc rằng trong tập ảnh này có một sơ sót không đáng có khi Tam Thái sử dụng một ảnh tư liệu bị chế lại trên mạng mà không kiểm chứng. Tuy nhiên, tác giả và nhà xuất bản đã tạm thu hồi để sửa chữa. Và phải công tâm để nhìn nhận rằng không phải vì sự sơ sót này mà tập sách ảnh không có giá trị về mặt nhiếp ảnh-sử liệu. Tôi nghĩ rằng sau khi sửa chữa và phát hành lại, tập sách ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn vẫn là một quyển sách đáng để cho những người Sài Gòn - TP.HCM tìm đọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm