Sống kiểu nào cũng bị chửi!

Thực tế gần đây giới trẻ làm tiệc hồ bơi theo kiểu Tây thì bị công luận phản đối kịch liệt, trong lúc họ quan tâm đến vụ Hà Nội chặt cây, dạy tiếng Anh miễn phí... thì lại bị làm khó. Vậy chúng ta muốn giới trẻ sống sao?

Giữa tháng 5-2015, hàng trăm bạn trẻ Hà Nội đã tham gia một bữa tiệc bikini ở một bể bơi dưới lòng đất. Đây là sự kiện diễn ra hằng năm, du nhập từ nước ngoài.

“Nâng tầm quan điểm”

Hình ảnh sự kiện sau đó lan truyền trên các trang báo điện tử và mạng xã hội cho thấy những thanh niên mình trần, cô gái mặc bikini đứng dưới nước cuồng nhiệt lắc lư theo tiếng nhạc. Ngay lập tức, Facebook của một nhà báo có uy tín có status “nâng tầm quan điểm” thế này: “Hôm nay giữa lòng thủ đô xuất phát điểm của những chiến dịch bách chiến bách thắng, nơi có Văn Miếu Quốc Tử Giám hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, để xảy ra những chuyện trần như nhộng như thế này là gì hở các ngài tuyên giáo thành ủy?”.

Trên mạng xã hội, một số ý kiến cũng quả quyết rằng việc du nhập trào lưu tiệc bikini từ phương Tây là một bước lùi của văn hóa, nhất là đối với các bạn trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Thậm chí có người còn đưa ra lời khuyên: “Tiệc bikini là trào lưu mang tính ăn chơi thác loạn, bầy đàn, không phù hợp với nền văn hóa Á Đông của người Việt chúng ta. Đó là văn hóa chỉ phù hợp bên phương Tây, còn ở Việt Nam thì đó là những hình ảnh phản cảm. Các bạn nên suy nghĩ kỹ về những hành động hôm nay để xứng đáng hơn với những lời dạy của cha ông, đừng để lối sống ảo làm hao mòn giá trị văn hóa quý giá của dân tộc!”. Những ý kiến nêu trên nghe thật cực đoan, vì rõ ràng giới trẻ cần có không gian giải trí để thoải mái xả năng lượng, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “quẩy” hết mình. Điều đó có gì sai?

Ai ủng hộ giới trẻ quan tâm đến thời cuộc?

Vậy thì khi giới trẻ quan tâm đến các sự kiện thời sự, hăng hái với những hoạt động xã hội, liệu họ có được công luận và cơ quan chức năng ủng hộ? Cách đây một tháng, khi sự kiện Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh đang là điểm nóng, hàng trăm bạn trẻ đã tham gia bày tỏ sự phản đối. Hậu quả là nhiều người trong số họ đã bị cơ quan chức năng ngăn cản, thậm chí mời về đồn công an để làm rõ động cơ có bị thế lực thù địch xúi giục hay không.

Trong khi đó, Phạm Minh Đáp, một thanh niên tâm huyết với việc mở các lớp tiếng Anh miễn phí dành cho sinh viên, cho biết anh bị hành “lên bờ xuống ruộng” vì chương trình này. Minh Đáp giải thích dự án “Ngôi nhà tiếng Anh” được triển khai nhằm giúp mọi người có điều kiện thực hành giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ, đọc sách, lướt web, kết bạn, trang bị kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người vô gia cư, các trẻ em đường phố… Chương trình đã quy tụ được khoảng 400 sinh viên tham gia trước khi bị lực lượng an ninh làm khó bằng việc đòi “giấy cho phép giúp đỡ người khác” (!?), gây áp lực lên chủ nhà không cho mở lớp tiếng Anh miễn phí...

Minh Đáp bức xúc nói rằng việc làm khó như vậy chỉ kéo khoảng cách giữa sinh viên và cơ quan chức năng ra xa thôi. Phải chăng hai sự kiện nêu trên cho thấy người ta không khuyến khích giới trẻ quan tâm đến thời cuộc cũng như làm việc có ích cho xã hội?

Ở một góc độ khác, ca sĩ Khánh Ly mới đây đã gây bất ngờ cho công chúng khi chị cho biết thỉnh thoảng vẫn nghe nhạc của “kẻ hậu sinh” - Sơn Tùng M-TP, nổi tiếng với những bài hát đang thịnh hành trong giới trẻ như Chắc ai đó sẽ về, Không phải dạng vừa đâu… Nữ danh ca còn thẳng thắn chia sẻ: “Tôi thích hát cùng người trẻ, đọc sách của người trẻ, làm việc với người trẻ vì tuổi trẻ của tôi đã đi qua, không thể lấy lại. Tôi muốn mượn tuổi trẻ của những người khác để thấy mình còn nhiều thời gian và khát vọng hơn”.

Phải chi có nhiều người nghĩ được như ca sĩ Khánh Ly để giới trẻ của chúng ta có thể thỏa sức vẫy vùng cả trong chuyện giải trí lẫn quan tâm đến thời cuộc.

BENJAMIN NGÔ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm