Nỗi bất an triền miên

Điều éo le là khi giá trị nhân bản xuống thấp, nỗi ngờ vực tình người lại cứ tăng dần. Dường như lòng tin của chúng ta ngày càng cạn kiệt vì phải chứng kiến kẻ xấu, cái ác đang hoành hành khắp nơi như chẳng bị ai khuất phục.

Dù ra đường hay ở nhà đều thấy bất an

Giữa tháng 7-2015, khi thông tin về vụ thảm sát tại Bình Phước vẫn chưa kịp lắng xuống, người dân Sài Gòn lại bàng hoàng trước tin một thanh niên chết đuối sau khi bị đuổi đánh trên phà Phú Định, quận 8. Không phải ngẫu nhiên mà các status được share nhiều nhất trên mạng xã hội hiện nay là về những pháo đài thép gai run rẩy giữa phố thị kèm theo bí quyết giúp gia chủ bảo toàn mạng sống khi xem lại camera ghi hình thấy kẻ trộm cầm dao đi lại trong nhà như chốn không người.

Người ta cũng không còn ngạc nhiên khi đọc tin trên báo thấy có những gia đình bị cướp vào nhà chích điện, tra tấn gia chủ ngất xỉu giữa ban ngày. Một comment trên Facebook thoạt nghe có vẻ cường điệu nhưng lại là sự thật: “Sao lúc này dù ra đường hay ở nhà đều thấy bất an quá. Tôi có cảm giác kẻ xấu bây giờ điềm nhiên xuống tay đoạt mạng người dễ như giết gà vậy. Nói thật với các bác là đêm nào tôi cũng vặn báo thức vài lần, bắt đầu từ 3 giờ sáng, sau đó cứ mỗi 30 phút lại báo thức một lần, tổng cộng là rạng sáng tôi có tầm bốn lần thức giấc ngó nghiêng quan sát. Dù nhà tôi và hàng xóm đều được gia cố như lô cốt nhưng vẫn sợ lắm…”.

Nhìn thẳng vào sự thật

Trên Facebook, có người lý giải rằng xã hội phát triển, thông tin mạng lưới Internet càng tự do thì... tội phạm càng nhiều (?!). Người này cũng đề nghị đưa Phật học vào chương trình giáo dục đào tạo nhân cách cho học sinh từ nhỏ nếu không thì xã hội ngày càng loạn. Nhưng cũng có người đặt vấn đề thẳng thắn: Từ bao đời nay, người Việt vốn được xem là có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng vậy mà giờ đây lại trở nên hung tợn, độc ác ngay với đồng bào, người thân. Đó là một thực trạng đáng sợ.

Thật mỉa mai khi hằng tháng người dân vẫn phải đóng tiền an ninh quốc phòng, trật tự dân phố... nhưng khi họ bị trộm cắp, cướp giật, báo chính quyền thì được trả lời chuyện nhỏ! Vậy thì cái gì mới là chuyện lớn đây?

Đạo đức xã hội đi xuống cũng chính là lúc niềm tin của người dân vào công lý, thực thi pháp luật đang mất dần. Chuyện thẩm phán, thư ký tòa nhận hối lộ để đổi trắng thay đen giờ không còn là của hiếm. Quá nhiều tội ác diễn ra, phải chăng chính quyền đã bất lực? Công an ở đâu, công lý ở đâu? Liệu những người có trách nhiệm ngăn chặn cái ác nảy nở có dám nhìn thẳng vào thực tại và thực thi những biện pháp mạnh tay để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân hay không?

Một khi không còn niềm tin vào sự công minh của pháp luật, người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyện tự xử, mua thêm thép gai quấn quanh rào nhà để ngăn trộm cướp, học võ để tự vệ khi gặp bất trắc... Nhân chuyện thời sự, người viết thấy một Facebooker chế câu ca dao cũ thế này: “Nhiễu điều hết phủ giá gương/ Người trong một nước hết thương nhau rồi”. Nghe thật buồn nhưng đó là nỗi buồn thực tại. Ai phải chịu trách nhiệm khi hiện nay nhiều giá trị đã bị đảo lộn?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm