Những tấm lòng rộng mở

Nhưng lúc nào quanh ta cũng có nhiều người tốt, âm thầm chia sẻ với những mảnh đời khó khăn.

Mấy năm trước, mỗi lần bước vào những kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng là những đoạn đường gian khổ cho thí sinh và các bậc cha mẹ khi phải lên thành phố lo tìm nơi ăn chốn ở để thi. Mặc dù có rất nhiều sự giúp đỡ, tiếp sức mùa thi của các đoàn viên, sinh viên, học sinh tình nguyện và các nhà hảo tâm nhưng nhiều người cũng gặp không ít khó khăn.

Từ những tâm hồn rộng mở

Kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc năm nay được tổ chức thi tại địa phương, thí sinh và cha mẹ đỡ phải đi lại vất vả như trước đây. Tuy vậy vẫn còn không ít thí sinh gặp khó khăn khi lần đầu chân ướt chân ráo một mình lên thành phố lớn tìm chỗ trọ ăn ở đi thi. Tôi đã chứng kiến cảnh ông Tư xe ôm xóm tôi đón đưa các cháu thí sinh từ bến xe về nhà trọ với giá hết sức tượng trưng, chỉ đủ đổ xăng. Thậm chí có đứa ông không những không lấy tiền mà còn mua bánh mì cho ăn vì ông thấy chúng quá nghèo. Ông Tư bảo thấy bọn nhỏ ngơ ngơ ngác ngác tội quá. Ai đời cũng mang tiếng là công dân thành phố, từ Cần Giờ lên mà chẳng biết đường sá gì. Ông Tư dọn căn gác của hai đứa con học lớp 7, lớp 8 đang nghỉ hè, kêu về ngoại ở tạm ít bữa, cho bốn đứa học sinh nghèo đi thi về ở vô điều kiện, lại còn bảo bà Tư nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn chiều, vì cả ngày ông chạy xe ôm, còn bà vợ đi bán rau ngoài chợ.

Ông nói ngày trước tui đâu có được học hành gì nên giờ thấy mấy đứa ham học là tui ủng hộ hết mình. Tôi thấy cả hai vợ chồng ông Tư vui ra mặt. Tôi chợt nhớ câu nói của cô Oprah - người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng người Mỹ: “Khi ta sống với tâm hồn rộng mở, những niềm vui bất ngờ sẽ đến”.

Một thầy giáo về hưu non do sức khỏe, ởnhà lại nhớ nghề “gõ đầu trẻ”. Anh bèn chia cái phòng vừa là phòng khách vừa là phòng ăn khoảng hơn 20 m2, kê hai dãy bàn tự đóng bằng ván tạp làm lớp dạy cho lũ trẻ con nhà lao động nghèo trong xóm mà anh nhờ hội phụ nữ phường “chèo kéo, dụ dỗ” đến học, bởi “đối thủ” của ông thầy giáo tình nguyện dạy không công là mấy quán Internet mở suốt ngày đêm quá quyến rũ!

Vậy mà bà chủ tịch hội phụ nữ phường cũng dụ được hơn mươi em. Bọn nhỏ mươi đứa tuổi từ 10 tới 15, ban ngày đi bán vé số, nhặt bao nylon, chiều tối về học bữa đực bữa cái. Có đứa đã học hết lớp 3 rồi nghỉ học đi bán kiếm tiền phụ gia đình, nhưng nhiều đứa chưa biết mặt chữ, ông thầy chia làm hai nhóm, dạy tất tần tật, từ viết chữ, làm toán tới dạy cả chuyện tình làng nghĩa xóm.

Đến những người sống thực lòng

Hiện nay người ta hay có thành kiến khi nghe nhắc đến các “đại gia”. Nhưng thật ra không ít doanh nhân tuy giàu sụ, tài sản kếch xù nhưng họ vẫn đều đều tham gia làm từ thiện, hỗ trợ công tác giáo dục xã hội. Dĩ nhiên họ thường làm với những điều kiện quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm mà chúng ta vẫn thường thấy trên các chương trình thực tế như Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng... hay các gameshow. Nhưng tôi biết cũng có nhiều doanh nhân tài trợ cho nhiều công tác xã hội, văn hóa giáo dục không điều kiện. Xin nêu một trường hợp mà tôi biết khá rõ: Công ty Văn hóa Hương Trang chuyên về xuất bản và phát hành sách, chủ yếu mảng sách tôn giáo, triết học và y học. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Cứ thường xuyên tài trợ cho các quỹ khuyến học các tỉnh từ hơn 10 năm nay. Tôi đã có dịp đi với anh phát học bổng, tài trợ sách vở cho các học sinh nghèo hiếu học, từ Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Trị, Phú Yên... Anh bảo hồi xưa nhà mình nghèo, đi học chỉ có một bộ đồ, học về tối giặt vắt khô mai mặc đi học; không có tiền mua sách giáo khoa, tối phải mượn sách bạn về nhà chép mai đem trả... Bây giờ làm ăn được chút đỉnh, mình muốn giúp đỡ các cháu nhỏ nhà nghèo hiếu học được chút nào hay chút nấy. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Doanh Nhânmấy năm trước, anh Cứ bảo rằng: “Tôi sống thực bụng”. Đó cũng là slogan và cái tâm của anh. Một người đồng hương Bình Định của tôi muốn gây một quỹ khuyến học nhỏ ở quê, nghe tôi nói vậy, mới mở lời, anh Cứ đã đồng ý tài trợ sách giáo khoa và tập viết dài hạn cho mấy chục em học. Tôi muốn ghi nhận chuyện này như một trong những tấm lòng rộng mở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm