Mùi sách của một con đường

Theo đó, đơn vị thực hiện đường sách là Sở TT&TT, đơn vị phối hợp là Hội Xuất bản Việt Nam.

Trước đây, vào 13-11-2014 báo Tuổi Trẻ có bài viết Đường sách nào cho TP.HCM đã được sự quan tâm của Hội Xuất bản Việt Nam Chi nhánh phía Nam. Vì thế vào tháng 4-2015, Hội Xuất bản phía Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến các nhà văn hóa, nhà văn, trí thức về việc tổ chức một con đường sách tại đường Nguyễn Văn Bình. Sau đó, Hội Xuất bản phía Nam đã phối hợp cùng Sở TT&TT tiến hành mọi thủ tục để đường sách này hình thành.

Ngày sách Việt Nam lần 2 - 2015 trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong hội thảo có ý kiến cho biết trước năm1975, dọc con phố Lê Lợi từ góc đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đến Pasteur, bên hông Bộ Công chánh (cũ) là con đường bán sách báo, cũ mới, Tây ta lẫn lộn. Phía bên kia con đường này là nhà sách Vĩnh Bảo, rồi tiếp đến là nhà sách Khai Trí. Dọc con phố này có thêm những nhà sách mà không ai có thể quên tên như Thanh Tuân, Phúc Thành, Vân Hữu, Nguyễn Trung… Sau năm 1975, Đặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết. Chỉ là một con đường nhỏ, dài chừng 200 m nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ. Hằng ngày con đường này tấp nập những người mua và bán sách. Sau một thời gian, theo nhịp độ phát triển kinh tế, khu chợ sách lộ thiên này biến mất. Khu vực trung tâm Sài Gòn bây giờ chỉ còn lại hai nhà sách Fahasa, một ở đường Lê Lợi - phát triển từ nhà sách Khai Trí và một ở đường Nguyễn Huệ. Nhà sách Xuân Thu biến mất, nhường phần đất đắc địa cho Trung tâm thương mại Vincom. Các tiệm sách và đường sách đã bị “đuổi” về con đường nhỏ như Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo… Một vài hiệu sách nhỏ sống rải rác ở khu Nguyễn Thị Minh Khai do các ông chủ tư nhân quản lý.

Đường sách hiện nay chúng ta cần có phải như một KHÔNG GIAN VĂN HÓA vì TP có nhiều con đường dành cho buôn bán hàng hóa đủ thể loại, ăn nhậu, bán chim, chó nhưng một con đường sách đúng nghĩa thì chưa có. Con đường sách sẽ là một con đường có không gian văn hóa. Đường sách sẽ là một con đường đầy mùi sách: đi ngang quán cơm tấm nghe mùi sườn nướng, phở nghe mùi hồi, thảo quả, buôn bán thì nghe mùi tiền, đến con đường này thì nghe được mùi sách từ giấy, từ mực, từ sách và từ ngôn ngữ của người mua lẫn người bán và trao đổi sách. Đây là ngôn ngữ của trí tuệ và văn chương. Ở đây không có chửi thề, nói bậy như khi ăn nhậu, chỉ có tán tỉnh phụ nữ bằng văn học thì cũng ủng hộ được.

Không gian sách này sẽ tạo sự thoải mái cho người đi mua sách. Đi mua sách thì phải vào tiệm sách. To như Fahasa còn tạo cảm giác ngột ngạt nói chi đến những nhà sách nhỏ. Không gian sách sẽ làm người mua sách dễ chịu vì rộng rãi. Họ có một khoảng không và bầu trời, xung quanh là những gian hàng sách với mùi đặc trưng của nó. Tôi thấy chỉ nên làm những quầy sách như hội sách chứ không nên làm những tiệm sách vì nó quá trang trọng. Ngay cả những người bán sách có thể để sách trong những thùng carton cho người mua chọn lựa.

Đường sách sẽ tạo nên hiệu ứng đám đông: Có những người không mua sách, chỉ đi tham quan nhưng hiệu ứng của đám đông, khi thấy người mua sách thì mình cũng mua, tạo thói quen mua sách. Con đường này vừa có lợi cho nhà sách và người mua: Nhà sách bán được những quyển sách cũ, có giá trị nhưng không thể trưng bày, giải quyết được sách tồn đọng trong kho, còn người mua tìm được những quyển sách giá trị, cũ, giá lại rẻ.

Ngoài ra đường sách còn là một KHÔNG GIAN DU LỊCH. Là một con đường cho người TP cũng như khách du lịch nước ngoài tham quan, nhất là con đường sách này nằm cạnh bưu điện TP.HCM, đối diện nhà thờ Đức Bà -  những kiến trúc thuộc loại đẹp nhất, nhì TP. Khi đến một đất nước có con đường dành riêng cho sách thì đất nước đó sẽ được người du lịch đánh giá cao về tầm văn hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm