Một thế hệ dễ… đi lạc

Trong tuần qua, nhiều người đã hoang mang khi đọc tin về 20 sinh viên đi lạc trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) và phải chờ gần 100 người giải cứu suốt đêm. Qua sự cố dở cười dở khóc này, người ta mới thấy những bạn trẻ này tuy đã là sinh viên rồi, tức là hơn 18 tuổi mà vẫn không am hiểu những kỹ năng cần thiết khi đi thám hiểm.

Những người sống không có gì phải lo

20 sinh viên ấy chắc hẳn đều trang bị điện thoại di động nhưng họ lại không biết dùng tính năng GPS (định vị toàn cầu) để tự cứu mà chỉ biết gọi điện thoại cầu cứu người khác. Đáng nói hơn, núi Bà Đen chỉ cao 986 m và xung quanh là đồng ruộng thế mà họ vẫn bị lạc. Khi vụ việc này được bàn tán trên Facebook, một nhà báo đã lý giải rằng có thể là do các bạn trẻ quen nếp được phụ huynh nuông chiều quá mức nên họ chẳng biết làm gì, xử lý thế nào lúc gặp sự cố. Nhà báo này đề nghị nên khởi xướng lại phong trào hướng đạo sinh như thời trước năm 1975 để giúp giới trẻ rèn luyện kỹ năng sống.

Vụ việc nêu trên cũng khiến người ta nhớ lại chuyện cô bé Sailor Gutzler, chỉ mới bảy tuổi, đã tự tìm giúp đỡ khi thoát chết trong vụ rơi máy bay tại bang Kentucky (Mỹ), trước đó khoảng 10 ngày. Cô bé đi chân trần đã lần mò vượt qua quãng đường gập ghềnh hàng cây số trong tiết trời băng giá để tìm người giúp đỡ sau khi chiếc máy bay rơi khiến bố mẹ, chị gái và em họ của bé tử nạn. Chắc hẳn cô bé đã được bố mẹ dạy cách ứng phó với sự cố chứ không hẳn sống sót nhờ may mắn.

Nếu kết nối với những bạn trẻ tuổi teen hoặc 20 tuổi trên Facebook hiện nay, bạn sẽ thấy các status của họ thường xuyên nhất là khoe ảnh tự chụp, đồ ăn thức uống, mua sắm áo quần, giày dép, đi xem phim, du lịch… Được phụ huynh chăm bẵm, lo lắng từ đầu đến chân, một thế hệ thanh thiếu niên đang sống trong tâm thế chẳng còn gì để phấn đấu, bàng quan về xã hội và chỉ biết nghĩ cho bản thân họ. Thế giới của họ dường như gói gọn trong những nhu cầu hưởng thụ của con người. Điều này lý giải tại sao có những người trẻ vô tâm trước nỗi đau như vụ một thiếu nữ đăng status về vụ cháy gần đây trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 (TP.HCM) rằng: “Bắn pháo bông sớm một ngày ăn mừng tết Tây. Rồi nhà đứa nào sáng nhất hôm sau đây!”. Ca này không phải cá biệt.

Phụ huynh tiếp tay cho con trẻ lạc đường?

Mới đây, một biên tập viên đài truyền hình kể cho tôi nghe một chuyện cười ra nước mắt. Số là con trai chị đã 16 tuổi nhưng gần như chẳng biết làm gì vì mọi chuyện ở nhà đã có mẹ và người giúp việc làm hết. Một ngày, chị bị bệnh và phải nấu cháo ăn. Con trai chị ăn ké cháo với mẹ và buột miệng nói: “Giá như mẹ... bệnh thường xuyên hơn để có cháo ngon ăn!”.

Việc được bố mẹ nuông chiều quá mức từ thuở nhỏ khiến cho một thế hệ trẻ không thể làm gì suôn sẻ nếu không có người khác giúp. Thậm chí chúng không thể kiểm soát nổi cảm xúc của bản thân hoặc mau chóng chấp nhận thất bại trước sức ép của cuộc sống. Minh chứng dễ thấy nhất là cảnh các fan khóc ròng, ngất xỉu khi ra sân bay đón thần tượng K-pop hoặc một số bạn trẻ nhảy cầu tự tử vì cãi nhau với người yêu, thi trượt đại học…

Cách đây vài tháng, giáo viên người Mỹ David McCullough Jr. đã bày tỏ nỗi băn khoăn về việc thanh thiếu niên ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị số. Họ dường như bị ám ảnh bởi vật chất chứ không còn quan tâm đến việc tích lũy kiến thức và mở mang vốn sống. Cùng quan điểm, tác giả Angela Shanahan chia sẻ trên báo The Australian rằng thế hệ Facebook ngày càng xa lạ với thế giới thực và trở thành những nô lệ tự nguyện của thế giới ảo. Kết quả một cuộc khảo sát hành vi trên mạng xã hội của một tổ chức ở Úc cho thấy phần lớn thanh thiếu niên xứ sở kangaroo đang mải chìm đắm trong những status “tự sướng”, các clip “mát mẻ” hoặc bạo lực trên mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm