Học cách cưới hỏi miền quê

Thế là có dịp về quê ăn cưới đầu năm. Và tôi đã khám phá ra nhiều điều thú vị so với đám cưới ở thành phố.

Có lẽ hầu hết thị dân đều quá hiểu nỗi khổ đi dự tiệc cưới ở thành phố. Có khi nhà hàng tiệc cưới xa hàng chục cây số, gặp lúc kẹt xe, trời mưa đường ngập nước, chạy xe ì ạch, ướt át khổ trần thân.

Nỗi khổ đi dự tiệc cưới ở thành phố

Đến nơi tìm chỗ gửi xe cũng toát cả mồ hôi. Nhưng khi vào bàn lại phải chờ mỏi mệt. Giờ khắc ghi rõ ràng trên thiệp thường là “Tiếp khách 17 giờ 30. Khai tiệc 19 giờ” nhưng ít khi đúng giờ. Người đến đúng giờ vêu mặt ra ngồi ngáp gió chờ người đến trễ. Có khi quá 19 giờ 30 mới khai mạc. Lại phải ngồi nghe mấy cô cậu MC đọc thuộc lòng “bài ca con cá” về chuyện đôi trẻ tìm hiểu nhau, quen nhau và được sự chấp thuận của cha mẹ để đi đến hôn nhân, rồi cám ơn các đấng sinh thành đã... sinh ra các con, rồi màn rót rượu mời hai cặp song thân... Rồi còn màn đại diện hai họ lên phát biểu cám ơn quan khách dài dòng lê thê, trong khi quan khách đã có người muốn xỉu! Có khi đến 20 giờ đêm, bụng dạ quan khách sôi lên sùng sục nhà hàng mới mang đồ khai vị ra!

Có lần tôi chứng kiến cảnh một ông khách trung niên bị xỉu trong tiệc cưới do đói, tụt đường huyết. Phải đổ nước đường sơ cứu tại chỗ, rồi gọi người nhà đến đưa về. Cô con gái ông ta cho biết cha cô hay bị hạ đường huyết. Hôm nay ông đi làm về đến nhà phải lo sửa ống nước trong phòng tắm bị bể, rồi vội vàng đi đám cưới, chờ lâu quá... Rút kinh nghiệm, bản thân tôi và có nhiều khi “khuyến cáo” bạn bè trước khi đi dự tiệc cưới nên ăn chút gì lót dạ cho chắc. Đó là chưa nói hầu như đám cưới nào ở thành phố cũng có ban nhạc luôn “tra tấn” thực khách bằng thứ âm thanh chát chúa điếc tai, muốn nói chuyện với ai phải hét thật lớn, rát cả cổ họng mà người đối thoại chưa chắc gì đã nghe!

Nét văn minh người thành phố cần học

Vừa rồi về Kiên Giang dự đám cưới thằng con út bà cô vợ, thay vợ tôi đang chịu tang mẹ, kỵ không đi. Mặc dù chú em con cô cao ráo, mặt mày sáng sủa nhưng quá 30 mới lấy vợ. Bà cô bảo nó kén chọn quá nên “ế”. Ở quê tuổi cỡ đó là coi như ế. Cô dâu là giáo viên, xinh gái, hiền hậu, không bõ công chú em tôi “kén cá chọn canh” như bà cô mắng yêu. Lần đầu về quê ăn cưới, tôi khám phá ra nhiều điều thú vị. Tiệc cưới tổ chức tại một nhà hàng khá lớn ở thị trấn huyện lỵ. Tôi là bà con họ nhà trai nên có mặt sớm để phụ cô đón khách. Thiệp mời ghi 5 giờ chiều nhưng mới hơn 4 giờ đã lai rai có khách đến. Điều khá lạ là không cần chờ đợi đông đủ người, cứ bàn nào đủ người thì nhà hàng dọn cỗ lên, thoải mái ăn uống, chẳng cần chờ ai. Đến 5 giờ hầu như khách đã đến đông đủ, ăn uống chuyện trò rôm rả. Khi chủ hôn lên sân khấu tuyên bố ngắn gọn về lễ cưới và cám ơn quan khách thì nhiều bàn gần như đã ăn xong, đang tính đứng dậy ra về.

Từ Kiên Giang tôi xuống Cà Mau dự tiếp một đám cưới khác cũng là người bà con bên vợ. Từ thành phố Cà Mau phải đi tắc ráng (một loại xuồng máy cao tốc) mất hơn một giờ mới đến tiệc cưới. Tiệc tổ chức buổi trưa, mục đích để bà con lỡ say cũng có thời gian nghỉ ngơi chiều về, chứ tổ chức buổi chiều bà con về trễ, trời tối nguy hiểm. Thiệp mời ghi 11 giờ nhưng mới 10 giờ rưỡi khách hầu như đông đủ cả. Tiệc cưới nhanh gọn, “đánh nhanh rút lẹ” như lời vị lão nông ngồi chung bàn, vốn là du kích thời kháng chiến phát biểu. Mới hơn 12 giờ tiệc đã gần tàn, chỉ còn lại một, hai bàn của mấy cậu thanh niên còn đang hát vọng cổ...

Thiết nghĩ người thành phố cũng nên học hỏi một số điều hay trong việc tổ chức cưới hỏi ở quê, như bớt đi sự rườm rà, màu mè, nặng phần trình diễn trong các tiệc cưới, kéo dài thời gian chờ đợi, gây phiền toái, mệt mỏi cho những người tham dự. Đó là một nét văn minh cần xiển dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm