Đàn ông thời nay khó lắm!

Trong gia đình, cả hàng tỉ việc đến tay người đàn ông. Nào là “anh bê hộ em cái này”, “xách giúp em cái kia”... đến “dắt giùm chiếc xe”, “lấy cho mấy thứ trên cao”... Rồi thì là sửa từ điện đèn, đường ống, thậm chí móc cống thông cầu... bao nhiêu đó sơ sơ đã thấy khủng khiếp chưa?

Bài toán thu chi đã chằng chịt con số

Các chị chỉ mỗi việc nội trợ, con cái đã rối cả lên. Có bản lĩnh thì diện váy áo mà xênh xang với đời. Chen chân ra xã hội kiếm tiền thuê ôsin. Vậy là xong. Cớ gì cứ càu nhàu mãi “sao tôi khổ thế này”. Chỉ tại đàn bà thích vò mình nhàu nhĩ ấy chứ.

Cơ bản đàn bà không phải chịu áp lực kinh tế gia đình. Chỉ đàn bà nào đã chen lấn với đời để giành từng miếng cơm manh áo mới thấu hiểu nỗi khổ tâm của đàn ông. Khi vừa mở mắt dậy, bài toán thu chi đã chằng chịt con số. Họ phải giải thế nào để con có cơm ngon, vợ có áo đẹp. Những người đàn ông lao động chân tay còn khổ hơn. No ấm luôn là nỗi ám ảnh phải chu toàn mỗi ngày.

Tôi từng ngồi trong những chuyến xe đò nhìn ra, năm bảy anh xe ôm đủ già đủ trẻ ùa đến giật nhau vài người khách nghèo nàn. Gương mặt họ đen nhẻm vì phơi ra nắng gió, bụi bặm, khi thì hừng hực sáng lên, lúc sầm lại thất vọng. Những lúc vậy, tôi lại thấy đàn ông khổ hơn bao giờ hết. Trong tâm trí tôi hiện ra cả một gia đình phía sau lưng họ và tôi đọc được nỗi trăn trở của đàn ông. Miếng ăn là miếng tồi tàn nhưng người ta vẫn phải muối mặt giành nhau mỗi ngày. Vì họ là đàn ông. Một người đàn bà đánh vật với cuộc sống, có nghèo một chút, họ cũng được thương cảm. Vậy mà đàn ông dù dang thân sớm tối với trần ai nhưng lỡ thất bại, họ vẫn bị chì chiết là kẻ bất tài vô dụng. Đàn bà còn đòi hỏi công bằng theo lẽ gì nữa đây?

Chị em tự cho mình cái quyền không móc ví

Như luật bất thành văn, trong mỗi cuộc hẹn hò, chị em mặc nhiên cho mình cái quyền chẳng bao giờ móc ví. Ít ai nghĩ sẽ tự trả phần mình hoặc thanh toán cho cả hai. Họ cho đó là bổn phận của đàn ông. Chúng ta thấy có vô lý lắm không? Nếu muốn được tôn trọng, trước tiên hãy khẳng định giá trị tự lập của mình.
Khi nói sai hay đúng thì trong bất kỳ cuộc cãi vã nào, đàn bà cũng chiếm ưu thế bởi vẻ mềm yếu tội nghiệp. Đàn ông dù có lý lẽ đúng thì khi lên tiếng, họ vẫn bị cho là “thể loại mặc váy, đi hơn thua với chị em phụ nữ”. Dù ức nghẹn họng vẫn phải “im lặng là vàng” mới ra đàn ông.

Con cái là thứ tài sản chung, có hùn vốn hẳn hoi, vậy mà chia tay là đàn ông mất trắng. Đàn bà đem con đi mất. Đàn ông đến thăm con như một người khách lạ. Có khi bị giới hạn thời gian. Không hài lòng còn chẳng cho gặp. Đàn bà cứ tranh quyền giữ rịt đứa con rồi than thở cho cảnh làm mẹ đơn thân. Thiên hạ lại bu vào mắng thằng cha nó tệ bạc. Thậm chí chẳng ai nghĩ cảnh con mình mà phải xin giờ “thăm nuôi”, chầu chực đón con ngoài ngõ giống kẻ ăn mày rẻ rúng, cảm nhận đàn ông sẽ kinh khủng biết chừng nào. Nhiều đàn ông ức chế vì lẽ ấy mà thà bỏ mặc để khỏi phải trải qua cái cảm giác bất lực kia. Và thế là thêm lần nữa họ bị khẳng định “vô trách nhiệm” như thể đúng rồi.

Đôi khi chị em quen trách đàn ông và họ thì quen không giãi bày. Nhưng phải nhìn nhận mỗi thành bại trên đường đời một người đàn ông đều liên quan đến cách sống của người đàn bà bên họ. Thay vì động viên, đàn bà hay chì chiết, thay vì tin tưởng, đàn bà lại khinh thường. Đừng vội phán xét người đàn ông của mình khi nhìn vào một người đàn ông thành công khác. Mà hãy so sánh bản thân với vợ của anh ta. Họ đã làm nên một công trình vĩ đại không chỉ nhờ may mắn. Sao chúng ta thì không? Còn lỡ vớ vào kẻ thực sự chẳng ra gì chúng ta vẫn có quyền trợ giúp sau cùng là từ bỏ. Ai cấm đàn bà sửa sai, xây lại hạnh phúc mới?

Đàn bà hãy thôi chấp nhất quyền lợi và đòi hỏi bình đẳng khi chính mình chưa thể làm nổi chuyện của đàn ông. Hãy cứ là một hậu phương ấm áp, âm thầm nâng bước nhau qua gập ghềnh, để hiểu rằng: Chẳng dễ dàng gì đâu, làm đàn ông khó lắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm