Chuyện đi học của con tôi…

Trong lớp học chính quy, cu ta thường không bắt kịp bài giảng của thầy cô, mỗi lần nhìn vào sổ điểm của “ảnh” là tôi sầu lên tận não. Thế là cuộc chiến của hai cha con bắt đầu. Thật ra chỉ là cuộc chiến của tôi trên đường săn tìm thầy cô để nó học thêm. Thân phận học dở mà về nhà là chỉ mê chơi (may mà lúc đó chưa có Pokémon Go). Làm sao để có thể củng cố bài giảng của nó trên lớp? Tôi thì không có thời giờ, vả lại nếu có cũng chẳng dạy được gì. Tôi nhìn vào những bài toán của nó mà chỉ biết thở dài não nề!

Thế là tôi phải tìm thầy cô cho nó để đắp vào lỗ hổng như “hố tử thần” của các con đường do làm ăn chấm mút. Người mà tôi nghĩ đến trước tiên là cô giáo của nó. Lý do: Không phải là mua chuộc mà là cô đã dạy nó nên hiểu tính tình và sức học của thằng này để có phương pháp dạy cho phù hợp.

Chẳng may cô giáo từ chối vì không đủ sức dạy thêm ở nhà hay ở trường . Mà thời bây giờ khác với thời của tôi là không có trường tư mở lớp kèm riêng. Thế là tôi phải hỏi những người bạn có cùng cảnh ngộ như tôi để cùng nhau liên kết, hỗ trợ tiếp sức cho con đến trường. Nhờ vậy tôi cũng tìm được một thầy có mở lớp riêng ở nhà. Từ đó, tôi và những người bạn cùng liên kết nhau, biết thầy cô nào dạy hay, có mở lớp thêm ở nhà là cho con vào thụ giáo. Tụi nó ham chơi mới sợ chứ học được thêm chữ nào hay chữ đó. Trong trường, không một thầy cô nào bắt con tôi phải đi học thêm lớp riêng của họ. Tôi không đồng ý trường hay thầy cô bắt phải theo học lớp của mình. Tuy nhiên, trong thời buổi chương trình học mênh mênh mang mang, mông lung, giãn nở tùy theo sự thay đổi của tư duy các lãnh đạo lần lượt thay phiên cải cách thì sự đi học thêm của con tôi, con anh, con chúng ta là một sự… cố gắng cho phù hợp đúng theo quy trình giáo dục của Bộ.

Ấy là chưa nói đến mùa hè. Với tụi nhóc “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đón trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê…” (Xuân Tâm). Con của tôi, giống cha y hệt, không nhảy nhót ở miền quê mà nhảy nhót trong nhà, nhảy nhót trên giường nên rất làm phiền cho má nó - tức vợ tôi. Tụi tôi, những kẻ không quê nhà, làm sao đưa nó về. Đưa nhóc đi chơi cũng là một niềm vui nhưng “niềm vui kéo chẳng tày gang” vì phải đi làm. Vì vậy, giống như gia cảnh của tôi, mùa hè nhiều người đều đưa con đến nhảy nhót ở cơ quan. Lúc ấy, cơ quan như một cái nhà giữ trẻ mùa hè cho những người có tâm niệm cho trẻ con vui chơi suốt ba tháng hè cho nó đã! Lúc đó, chúng tôi ước gì nhà trường hoặc có những trường tư nào đó tổ chức những lớp dạy hè kiểu tự nguyện. Học trò nào thích học thì đăng ký, phụ huynh nào muốn con nghỉ chơi hè trọn vẹn thì cứ tự nhiên, không ai ép ai.

Còn nhớ, tôi có một người bạn làm trong ngành giáo dục, trong khi chờ đón con về, cùng ngồi làm “một ve” để nói chuyện đời, trong đó cũng bình luận, nghĩ về cuộc sống của người giáo viên. Bạn tôi cũng là người chủ trương cho trẻ con học vừa phải, còn để thời giờ cho chúng chơi đùa. Nhưng trình độ toán và sinh ngữ của con bạn chưa tới “ngưỡng an toàn” trong hệ thống kiến thức mà nhà trường đã truyền thụ. Thế là bạn đành phải gửi con cho những lớp học tư. Bạn tâm niệm chính sự học thêm và dạy thêm bắt nguồn từ hệ thống giáo dục và quản lý giáo dục. Cuộc sống của giáo viên còn khổ quá, chuyện dạy thêm của họ cũng là một cách mưu sinh chân chính, chẳng bóc lột, tham nhũng của ai. Có bóc lột chăng chính là bóc lột hơi sức của họ, tham nhũng chăng thì chỉ tham nhũng thời gian tận hưởng hạnh phúc gia đình của họ mà thôi. Nếu có hiện tượng một số giáo viên giàu có vì dạy thêm hoặc bắt học trò chính khóa theo học lớp tư của mình ở nhà thì cũng không phải là số áp đảo. Cần cải cách chăng chính là hệ thống giáo dục với chương trình quá tải với sức của học sinh và thầy cô giáo.

Và nói cho tận cùng bằng số thì tôi mang ơn những lớp dạy thêm của những người thầy, người cô mà con tôi đã từng học thêm trong thời kỳ giáo viên có dạy thêm mà chẳng bị nghiêm cấm. Không biết phụ huynh thời đại “cấm giáo viên dạy thêm” này sẽ giải quyết vấn nạn thời của tôi ra sao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm