Cái barie xe lửa

“Chà, như vậy là đường xe lửa Sài Gòn ngưng chạy, không còn cảnh đang chạy xe mà bị bắt dừng lại để chờ xe lửa chạy ngang… Đỡ thiệt. Sẵn đây, sao Nhà nước không chịu di dời cái ga Sài Gòn ra Bình Triệu cho đỡ kẹt xe trong giờ tan tầm…”. Lúc này, ngoài chuyện bàn tán về chuyện ẩu tả của mấy anh tài công không bằng lái làm gãy nhịp cầu, dư luận lại bùng lên chuyện di dời ga Sài Gòn về ga Bình Triệu hay ra ngoại thành...

Thật ra chuyện di dời ga Hòa Hưng thuộc loại “xưa rồi ... diễm”. UBND TP.HCM đã nhiều lần đề nghị di dời ga Hòa Hưng ra Bình Triệu vì thấy rõ những điểm bất lợi khi vẫn còn dùng cái barie chặn đường xe lưu thông hằng ngày. Nhưng từ năm 1999 của thế kỷ trước, một ông nào đó của Công ty Thiết kế tư vấn GTVT phía Nam của Bộ GTVT đã đề nghị xây dựng tuyến đường sắt trên cao, vẫn giữ lại ga Hòa Hưng như cũ vì lý do “đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia phải liên hoàn với nhau mới bảo đảm được việc phục vụ khách”. Nhưng ông đâu biết rằng đa số hành khách đi xe lửa hiện nay là ở các khu vực ngoại thành, công nhân ở các tỉnh liền kề, có nhu cầu xuống nhà ga ngay cửa ngõ TP để đến bến xe khách về các tỉnh. Như vậy, mỗi ngày có hàng ngàn hành khách đi tàu hỏa phải chen chúc để vào và ra khu trung tâm TP. Điều bất hợp lý này tạo thêm gánh nặng cho giao thông TP, tăng nạn kẹt xe và làm tăng chi phí đi lại, mất thêm thời gian của người dân. Mà nếu có vào TP thì còn nhiều phương tiện khác nữa chi? Và năm 2013, Bộ GTVT đã được Thủ tướng chấp nhận phê duyệt xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Bình Triệu vào ga Sài Gòn và ga Sài Gòn vẫn là nhà ga hành khách đầu mối ở TP.HCM thuộc tuyến đường sắt quốc gia.

Xin hãy nhớ từ năm 1999 đã nghiên … “kíu”, đến năm 2013 trình Thủ tướng duyệt quy hoạch và cho đến năm 2016 vẫn chưa thực hiện được vì vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Theo ông nguyên là chuyên gia nghiên cứu của Bộ GTVT thì sơ bộ phải cần khoảng 200 triệu USD vốn đầu tư, chưa tính vốn đền bù giải tỏa, mà cái vốn giải tỏa mới là cái vốn vô cùng mơ hồ. Chính cái vốn đền bù giải tỏa đã làm chậm bao nhiêu tiến độ xây dựng. Bởi vậy đến giờ Bộ GTVT chẳng gọi được nhà đầu tư nào nhảy vào vì quá khó nhai. Nếu ngon thì bản thân nhà đầu tư đã tự lập dự án xin Nhà nước phê duyệt rồi chứ cần chi đến cái gọi là quy hoạch đường sắt trên cao của Bộ GTVT. Thật là đáng khen cho Bộ GTVT chuyên chọn điều lớn, điều khó để làm, không chịu làm điều nhỏ. Mà điều lớn, điều khó thì lại làm không được. Bởi vậy mà ôm quy hoạch để chờ vài con nhạn đầu tư là đà... Bộ là từ Hà Nội, không vội được đâu!

Dân chịu đựng barie xe lửa hằng ngày của Bộ GTVT tự hỏi tại sao Bộ hay chọn chuyện khó mà làm. Việc di dời ga Hòa Hưng ra Bình Triệu thì dễ dàng hơn xây đường sắt trên cao. Giả sử nếu trước kia Pháp và chính quyền Sài Gòn đã đưa ga xe lửa hiện nay ra Bình Triệu thì còn khái niệm ga Sài Gòn là ga trung tâm không, hay là khách bộ hành đều phải ra ga Bình Triệu? Trước kia bến xe đò đi các tỉnh miền Tây và miền Đông nằm ở đường Lê Hồng Phong (Bến xe Petrus Ký cũ) vẫn di dời ra hai đầu ngõ TP được? Chuyện dời ga Hòa Hưng là chuyện nhỏ so với chuyện dời sân bay Tân Sơn Nhất? Tại sao sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế mà không đặt tại trung tâm TP Sài Gòn cho hợp lẽ lịch sử, truyền thống và vị trí quốc tế của TP này mà lại di dời ra Long Thành (Đồng Nai) được, còn ga xe lửa Hòa Hưng thì lại là phải “liên hoàn với nhau”?

Hãy dẹp bỏ những ý niệm, lý thuyết khô cứng để nhìn vào thực tế vì từ khi nghiên cứu đề án năm 1999, TP chỉ có năm triệu rưỡi dân, bây giờ đã tròm trèm 10 triệu và tám triệu rưỡi xe máy, 600.000 chiếc ô tô. Nếu Bộ GTVT không làm được thì hãy mạnh dạn giao cho TP.HCM tự quyết định sẽ làm gì đối với ga xe lửa Hòa Hưng để không còn barie xuất hiện trên đường phố nữa. Còn nếu không hãy cho dân đóng thuế biết là kế hoạch xây của ông tiến độ ra sao để chúng tôi còn biết thời gian mà chờ đợi. Chứ cái đà kêu gọi đầu tư của các ông kiểu này thì đến tết Congo dân Sài Gòn mới hết nghe tiếng còi tàu trong nội ô đường phố. Và ai sẽ chịu trách nhiệm dân số đường tàu gia tăng vì vỡ kế hoạch do hằng đêm thức dậy vì tiếng còi tàu? Không lãng mạn chút nào đâu Bộ Giao… ơi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm