Vòng loại Asian Cup và phiên bản 2.0 của U-22

Phiên bản 2.0 rõ nhất là trận đấu với Campuchia của thầy trò HLV Mai Đức Chung vào ngày 5-9 tại Phnom Penh.

Vòng loại Asian Cup còn đến bốn lượt trận nữa. Trận làm khách trước Campuchia ngày 5-9 kết quả sẽ ảnh hưởng đến vai trò của HLV (tiếp tục duy trì với HLV Mai Đức Chung hay tìm HLV mới), đồng thời sẽ mang tính quyết định đến phiên bản 2.0 của U-22 Việt Nam có được duy trì như những nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn ảo tưởng về một lứa trẻ đứng đầu khu vực.

Với các đội Đông Nam Á, ngoài Thái Lan là đội duy nhất có mặt tại vòng chung kết Asian Cup 2019 (vì đã cùng 11 đội châu Á khác lọt vào giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á), còn lại các đội khác phải thi đấu vòng loại trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian qua, U-22 Việt Nam với hầu hết là thành phần đội tuyển quốc gia dồn cho mục tiêu SEA Games để rút tỉa kinh nghiệm đúc kết, rèn giũa bản lĩnh. Và lứa cầu thủ này đã “gãy” tại SEA Games 29 nên sau đó cũng đặt ra lắm vấn đề về quyết định lấy U-22 làm nòng cốt đội tuyển.

Trận đội tuyển Campuchia-Việt Nam ngày 5-9 sẽ khác rất xa so với trận Việt Nam thắng đậm ở SEA Games 29. Ảnh: HUY PHẠM

Thực tế nếu đội tuyển quốc gia vẫn lấy nòng cốt là U-22 thì có nhiều điều đáng lo lắng, khi ở sân chơi cùng tuổi mà cầu thủ còn thua thì huống gì đội tuyển quốc gia lấy nòng cốt từ lứa trẻ đấy mà bỏ qua những cựu binh giàu kinh nghiệm.

Hiện nay dù đang đứng thứ ba bảng, dưới cả Campuchia, cơ hội cho đội tuyển Việt Nam lấy suất dự Asian Cup 2019 khá chông chênh. Vì thế, với những vòng đấu quyết định còn lại gặp các đối thủ “xương” hơn, nếu không có một đội tuyển thực thụ thay cho phiên bản 2.0 từ U-22 thì coi chừng “mất cả chì lẫn chài”.

Xét trên nhiều mặt mà cả bảng xếp hạng của FIFA thì Asian Cup 2019 mở rộng đến 24 đội tham dự, tức một nửa số thành viên Liên đoàn Bóng đá châu Á - AFC (AFC có 47 thành viên) mà Việt Nam không góp mặt thì là thất bại nặng nề.

Đội tuyển Việt Nam có vẻ đang bị “khoanh vùng”, thậm chí là bị chi phối rất nhiều thứ ngoài chuyên môn qua một nhóm cầu thủ ở U-22 mà HLV Hữu Thắng trước đó đã duy trì. Thực tế nếu tuyển chọn rộng và xét công bằng về yếu tố chuyên môn mà không phụ thuộc vào ông bầu nào hay quan chức nào thì còn rất nhiều cầu thủ xứng đáng lên đội tuyển thay cho việc ưu tiên U-22.

Nhìn vào các đối thủ bảng C, có thể nói Jordan đã chiếm một suất đầu. Còn lại ba đội Việt Nam, Campuchia và Afghanistan sẽ tranh nhau một suất. Trước đây thì ai cũng nghĩ ứng viên nặng ký sẽ là đội tuyển Việt Nam nhưng bây giờ lại có vẻ căng.

Trước trận Campuchia-Việt Nam, HLV Leonardo Vittorino khẳng định đội tuyển Campuchia ngày 5-9 tiếp Việt Nam sẽ là một bộ mặt hoàn toàn khác và sẽ đánh bại đội Việt Nam của thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Xét cho cùng thì HLV người Brazil này cũng có cơ sở để mạnh miệng như thế khi đội tuyển Campuchia dưới tay ông tại vòng loại Asian Cup 2019 từng đánh bại được đội bóng khó chịu và được đánh giá cao hơn rất nhiều là Afghanistan. Một trận đấu mà sân Olympic tại Phnom Penh nêm kín người và các cầu thủ Campuchia thi đấu như những cảm tử quân, chạy không biết mệt.

Nếu như những giải Đông Nam Á trước, ở cấp độ đội tuyển hay U-22, U-23, gặp Thái Lan chúng ta thường thua ở vòng knock out hay chung kết thì SEA Games 29 vừa qua, chúng ta lại thua ở một trận vòng bảng mang tính quyết định.

Lại thua người Thái và quan trọng hơn là bị loại ngay sau vòng bảng khi cao trào của niềm hy vọng vô địch lên đến đỉnh điểm.

Có người nói rằng chúng ta thua vì xui hay vì lỗi cá nhân. Công bằng mà nói thì đó là trận thua toàn diện, từ khu kỹ thuật đến việc thể hiện của cầu thủ và cả tâm lý lẫn thể lực trên sân.

Bóng đá Việt Nam có một bầu Đức, một bầu Hiển và vài trung tâm đào tạo khác góp quân nhưng vẫn còn manh nha lắm. Trong khi đó bóng đá Thái Lan thì đã quy củ từ lâu rồi. Bây giờ các CLB chuyên nghiệp của Thái Lan, từ 18 đội dự Thai-League 1 cho đến 20 CLB dự Thai-League 2… đều có học viện bóng đá. Riêng tỉ phú Vichai thì mỗi năm tuyển 16 học viên là tài năng trẻ sang Học viện Leicester City đào tạo ba năm… rồi trở về khoác áo các đội tuyển.

Indonesia cũng có nhiều tỉ phú đầu tư nghiêm túc vào bóng đá. Malaysia thì có vài ba học viện như Felda, học viện bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Malaysia, học viện bóng đá của hoàng tử Ismail (Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Malaysia)… đầu tư chiến lược chiều sâu.

Nhìn lại họ mới thấy nhiều lúc ta quá ảo tưởng vào một học viện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm