Vỡ ra điều gì khi thua đậm U-19 Nhật?

Chúng ta mới có lò đầu tiên đào tạo bóng đá theo kiểu chuyên nghiệp được sáu năm và phần lớn các cầu thủ U-19 là lứa đầu tiên.

Với người Nhật, một quốc gia có mặt tại chung kết World Cup thường xuyên từ năm 1998 đến nay, cách đây gần hai thập niên đã mời hàng loạt những ông thầy nổi tiếng về lo khâu đào tạo một cách căn cơ và có chiến lược. Không khó kể ra những cái tên như Zico, Dungga, Gary Lineker, thậm chí là cả “giáo sư” Wenger cũng từng đến tham gia và nhiều thầy giỏi của bóng đá Nam Tư cũ về đào tạo cho bóng đá Nhật.

Người Nhật không chỉ lo khâu đào tạo cho đội tuyển mà còn mời cả các chuyên gia về lo công việc tổng chỉ huy việc đào tạo trẻ cho các CLB từ lâu lắm rồi… Vì vậy nếu như Việt Nam có một HA Gia Lai - Arsenal JMG thì trên đất Nhật hiện nay có đến hàng chục và phát triển theo hệ thống trường học.

Vì vậy mà cái thua 0-7 không chỉ là thua về đẳng cấp mà còn là kết quả của một lộ trình đào tạo giữa một bên là diện rộng còn một bên là một nhúm của một doanh nghiệp có bổ sung vài cầu thủ cùng lứa tuổi.

11 cầu thủ ra sân chiều qua của U-19 Nhật được chắt lọc từ diện rộng của một nền bóng đá làm căn cơ và bài bản chứ không phải của một lò đào tạo.

Vì vậy mà để hòa Nhật hay thắng Nhật thì ngoài lò của bầu Đức cần phải nhân rộng ra hàng chục lò đào tạo bài bản và còn phải trải qua nhiều thời gian.

Nhìn các em lò HA Gia Lai - Arsenal JMG bật nhả và vô vọng trước kiểu đánh chặn, bít đường của cầu thủ Nhật mới thấy được sự khác biệt của lứa cầu thủ mới được mang giày đá bóng và đang tích lũy ở giải quốc tế thứ ba của mình (vô địch U-19 Đông Nam Á, vòng loại U-19 châu Á và Cúp NutiFood).

Nên bình tĩnh nhìn sự thật này mà tiếp tục hoàn thiện thay cho những chiến thắng như chẻ tre ở các sân chơi trước.

Cần nhìn đúng sự thật sự khác biệt của bóng đá Nhật và bóng đá Việt Nam để có cách đi lên đúng hướng thay vì ngồi đó mà vò đầu bứt tóc tức giận “vì sao chúng ta lại thua Nhật”.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm