Vỏ bọc U-19

Lứa cầu thủ mà khi VFF đặt viên đá đầu tiên xây Trung tâm Đào tạo trẻ, thì tại Pleiku, bầu Đức tuyển cầu thủ tuổi 11-12 từ khắp mọi miền đất nước và phá 7 ha rừng cao su xây học viện. Từ đó đến nay đã bảy năm và lứa cầu thủ đầu tiên của bầu Đức đã sắp ra trường.

Mọi chuyện bắt đầu ồn ào khi lứa cầu thủ của bầu Đức “xuống núi” và bắt đầu chơi ở giải U-19 Đông Nam Á rồi châu Á và tạo được những dấu ấn nhất định.

Sự ồn ào đấy kéo theo cơn sốt của người hâm mộ như đặt hết niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ và “sạch sẽ” lẫn hồn nhiên này.

Đó là cả một công nghệ đào tạo theo kiểu chọn gà nòi mà phía Arsenal JMG bỏ công nghệ còn bầu Đức thì bỏ vốn. Nó khác hẳn với các lò đào tạo phổ thông ở Việt Nam. Có thể đưa ra một dẫn chứng đó là với kinh phí nuôi những cầu thủ của bầu Đức trong bảy năm thì cũng chừng đấy tiền, lò SL Nghệ An, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng có thể nuôi từ sáu đến tám lứa cầu thủ ở độ tuổi từ 14 đến 21. Những cầu thủ mà đầu ra sau khi sàng lọc và đào thải là đội 1 ở CLB và thậm chí là đội Olympic rồi lên đội tuyển theo cách làm thông thường.

Vỏ bọc U-19 ảnh 1

Hãy để các cầu thủ U-19 hồn nhiên như tuổi trẻ của họ thay vì đặt lên vai những áp lực quá lớn. Ảnh: CTV

Nói như nhiều người là tiền nào của nấy nhưng với bầu Đức thì ở đây còn là bài toán kinh tế, vì tiền ông bỏ ra rất nhiều nhưng thu lại của ông cũng không nhỏ. Trước mắt là mã cổ phiếu HAG tăng liên tục kể từ khi có lứa cầu thủ này. Chưa kể lời hứa hẹn từ Arsenal JMG chỉ cần 3-4 cầu thủ lọt mắt xanh trong thị trường chuyển nhượng quốc tế thì phần vốn có thể lấy lại chóng vánh. Tuy nhiên, bầu Đức đến giờ vẫn chưa tính đến chuyện lời, lỗ từ lứa cầu thủ này mà đang tính đến cái sự sung sướng của một thế hệ cầu thủ mang lại. 18 ngày cho hai cái cúp NutiFood một ở TP.HCM và một ở Hà Nội đã che đi rất nhiều những xấu xí không chỉ của một nền bóng đá (mua bán độ, nợ nần, bỏ đội bóng, kiện cáo…) mà còn che cả những phần tối ngoài bóng đá là một thắng lợi vượt bậc.

Trong cái sự sung sướng của một ông bầu làm bóng đá cũng có nhiều mối quan hệ dắt dây và chồng chéo nhau liên quan đến lứa U-19 đấy. Chẳng hạn trong chiến dịch vận động tranh cử vào bộ máy VFF nếu không phải là bầu Đức đứng bên cạnh thì rất khó để một doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng vượt qua nhiều rào cản để đứng vào vị trí cao nhất.

Chỉ tiếc là con đường của U-19 lẽ ra phải để phát triển một cách tự nhiên thì nhiều người lại dán nhãn “siêu nhân” cho các em quá sớm. Chỉ bảy năm với một đống tiền đổ ra mà nghĩ ngay đến chuyện thắng Nhật Bản, thắng Hàn Quốc rồi thậm chí là thay Olympic, thay đội tuyển vô địch SEA Games, tìm suất dự vòng chung kết World Cup thì rõ là hão huyền. Đôi chân trẻ của các em còn đang học và lấy thi đấu làm tập luyện chứ chưa được trang bị để chiến đấu như những người lính, thế mà cứ gắn các em với những giấc mơ vĩ đại qua lời tuyên bố của người đứng đầu tổ chức bóng đá.

Thua U-19 Hàn Quốc và thua U-19 Nhật Bản là điều hết sức bình thường bởi người ta là cả một quá trình dài trên nền tảng từ vài chục học viện và từ một nền bóng đá nghiêm túc, chỉn chu trong khi ta mới là một học viện sống được bảy năm.

Không ai cấm một giấc mơ nhưng cần phải thực tế tìm tòi và phát triển nhiều học viện hơn nữa cùng nền tảng tốt rồi hãy tuyên bố đi World Cup.

Cũng không ai thấy một lứa cầu thủ được yêu thích rồi vội ôm vào làm của riêng và phủ nhận công sức của nhiều lò đào tạo truyền thống đang làm theo kiểu liệu cơm gắp mắm.

U-19 cần là chính mình thay vì quanh các em hồn nhiên và dễ thương có quá nhiều vỏ bọc do người lớn tạo ra.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm