V-League đá thật, nên rất cần trọng tài bắt thật

Sau 10 vòng đấu, cục diện V-League đã hình thành rõ nét với dấu ấn của ứng cử viên nặng ký Sài Gòn cho chức vô địch, hay sự trỗi dậy của HA Gia Lai vào tốp 3 sau những mùa lo trụ hạng vất vả. Giải cũng lộ diện một số đội bóng lấp ló vùng nguy hiểm như Quảng Nam, Hải Phòng, Nam Định hay tân binh Hà Tĩnh.

Cuộc chơi còn khốc liệt ở chỗ các đội phải tìm một chỗ vào tốp 8 để sau giai đoạn 1 mang tiếng là tranh chức vô địch nhưng chỉ để trốn rớt hạng trước đã. Cho nên chỉ cần đội hình vấp váp hay cầu thủ xuống tinh thần một chút thì cơ hội sẽ dần xa tầm tay.

Rõ nhất là nhà đương kim vô địch Hà Nội sau những cú sẩy chân đã đánh mất lợi thế tranh chấp ngôi cao đã đành, họ cũng không chắc thoát một suất chạy trốn rớt hạng. Thầy trò Chu Đình Nghiêm vừa nhọc nhằn qua mặt Hải Phòng để nhảy lên hạng sáu với 15 điểm nhưng chỉ hơn đội thứ 10 SL Nghệ An một trận thắng.

V-League căng thẳng bởi đá thật và sách Có gì trong Luật Bóng đá? của giảng viên Đoàn Phú Tấn. Ảnh: NGỌC DUNG

Đáng lo cho đội bóng của bầu Hiển là chấn thương và quá tải của hàng loạt cầu thủ khiến đội hình chính sứt mẻ nghiêm trọng. Và một khi ốc còn chưa mang nổi mình ốc thì Hà Nội làm gì còn dám suy nghĩ tình thương mến thương với đội bóng anh em.

Còn với SHB Đà Nẵng bị cho là khó hiểu khi căng mình ra lấy điểm của Hà Nội lại thúc thủ trước Than Quảng Ninh 1-2 ngay trên sân nhà. Thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức bị ngắt mạch sáu trận bất bại và rơi xuống hạng chín đầy phũ phàng.

Thể thức thi đấu thay đổi buộc cách nghĩ và kiểu chơi của tất cả CLB phải thay đổi. Như nhà á quân TP.HCM không lường hết tính khắc nghiệt của giải đấu đã phải trả giá khi mất đi một vài trụ cột do thẻ phạt hoặc chấn thương. Sau cú ngã ngựa 0-1 trên sân của tân binh Hà Tĩnh, họ vừa bị Viettel lấy mất ngôi nhì bảng mà phải chật vật lắm mới giữ được từ đầu giải.

Sự lơi lỏng đột ngột của TP.HCM khác hẳn với cái cách Sài Gòn tiếp tục giữ ngôi đầu, dù vắng chân sút hay nhất Paulo vẫn bảo đảm phương án thay thế hoàn chỉnh để thắng đậm Nam Định 3-0. Dĩ nhiên, may mắn là một yếu tố không thể thiếu trong bóng đá, như B. Bình Dương tấn công mãi không phá lưới nổi Thanh Hóa, lại để đội khách tận dụng một cơ hội hiếm hoi nhấn chìm.

V-League đá thật dễ gây ra cảnh kẻ cười, người khóc với đủ cung bậc cảm xúc hấp dẫn của cuộc chơi. Vì thế, các đội cũng rất mong cái thật của V-League sẽ được tác động tích cực từ cái thật của trọng tài. Nguyên do từ đầu giải đến nay, không ít trận đấu trọng tài thật thật giả giả dưới cái mác trẻ nên thiếu bản lĩnh, trong khi theo nhận xét của giới chuyên môn thì có những cái sai rất đáng ngờ. Nguyên do nó không đến từ nhận định đơn thuần, mà từ sự “liều lĩnh” để có 3 điểm cho đội này và dìm đội kia. Rõ nhất và tranh luận nhiều nhất là hai trận chỉ ra hàng loạt cái sai mà theo lãnh đạo của nhiều đội bóng thì là “cướp điểm” hoặc “giết” đội bóng. Điều khiến lãnh đạo của đội bóng cũng là ủy viên của VPF phải lên tiếng mạnh mẽ vì sự “bỗng dưng yếu” của nhiều trọng tài bị nghi ngờ là có người “chống lưng”.

Giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn và sách Có gì trong Luật Bóng đá?

Đúng vào thời điểm công tác trọng tài và điều hành trọng tài để lại nhiều lo lắng thì giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn kịp thời ra sách Có gì trong Luật Bóng đá?.

Ông Đoàn Phú Tấn từng là trưởng Ban trọng tài và nhiều năm làm công tác giảng dạy, được nhiều trọng tài FIFA kỳ cựu gọi là thầy. Tiếc rằng thời gian gần đây, khi nội bộ Ban trọng tài VFF có thay đổi lớn thì ông Tấn không được mời làm công tác giảng dạy nữa, dù nhiều đội bóng vẫn trân trọng mời ông giảng luật để cầu thủ hiểu luật hơn. Thậm chí ông cũng từng được mời tham gia lớp giảng dạy luật cho đội trẻ và đội tuyển trước khi bước vào những giải đấu lớn quan trọng.

Có gì trong Luật Bóng đá? cập nhật đầy đủ những sửa đổi, bổ sung và sử dụng những từ rất gần gũi giúp giới chuyên môn bóng đá, các trọng tài và cả người hâm mộ có cái nhìn rất rõ để hiểu về luật, đặc biệt là kiến thức qua những vấn đề mới, hay tranh luận… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm