VFF và V-League đang ‘xé’ luật

Ông Trần Vũ Hải năm 2005 là người đầu tiên tự nộp đơn ứng cử ghế chủ tịch VFF nhưng rồi bị loại.

Nói về nhân sự của VFF, luật sư Hải chỉ ra: “Chúng ta cần phải sòng phẳng và phân định rõ vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp với nhà nước ra sao. Không thể có chuyện thành viên VFF một lúc đóng hai vai”. Ông Hải dẫn chứng Thủ tướng ra văn bản về các tổ chức hội đặc thù với Quyết định 68/2010 nêu rõ: “Chỉ có 28 tổ chức hội đặc thù mới có thể có cán bộ, công chức (CBCC) điều động sang, trong đó không có LĐBĐ”. Nghĩa là VFF phải tự mình bầu bán hoặc thuê lao động theo Bộ luật Lao động, chứ không phải đưa người nhà nước ngồi vào như các nhiệm kỳ trước.

Ngoài ra, Nghị định 24 về CBCC có đặt ra vấn đề cán bộ biệt phái nhưng chỉ tối đa ba năm và chỉ trong trường hợp đặc biệt, khi không tìm ra người làm. “Cơ chế của chúng ta suốt từ năm 2010 đã vậy, nhằm hạn chế việc can thiệp của Nhà nước vào tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cho nên VFF sắp tới phải làm rõ nếu CBCC tiếp tục tham gia quản lý, điều hành VFF thì phải thôi vai trò trong nhà nước và ngược lại”.

Liên quan đến tình trạng một ông chủ có nhiều đội bóng, luật sư Hải nhấn mạnh: “Bầu Hiển có thể tài trợ hoặc là ông chủ chính thức hay giấu mặt của các CLB đều không được. Tại sao việc này xảy ra 5-7 năm qua mà VFF không thể giải quyết dù điều này vi phạm nghiêm trọng quy định của FIFA? Tôi thấy thanh tra của VFF đi tìm hiểu việc một ông chủ ôm nhiều đội bóng là không đúng. Nếu Ban Kỷ luật, Ban Giải quyết khiếu nại VFF không có thẩm quyền hoặc giải quyết không thấu lý đạt tình, chúng ta cần có trung tâm trọng tài thương mại để giải quyết các vấn đề bóng đá, giải quyết mọi tranh chấp. Chỉ cần một lá đơn tố cáo với bằng chứng rõ ràng sẽ chấm dứt tình trạng này.

VFF cần phải làm rõ và giải quyết hai vấn đề thời sự này nếu đúng là một tổ chức chuyên nghiệp theo tinh thần của FIFA”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm