Vết ‘sẹo’ và ‘án tử’

Anh Khoa buồn bã cho biết sau những nỗ lực tập luyện trở lại nhưng anh không thể hoạt động và xoay trở như những cầu thủ bình thường được nên buộc phải chia tay và tìm nghề khác để sinh sống.

Việc Anh Khoa nói lời chia tay là một mất mát rất lớn cho chính cầu thủ này và cả bóng đá Việt Nam với vết “sẹo” bạo lực hủy hoại đời cầu thủ.

Lại cũng có một vết “sẹo” liên quan đến giã từ sân cỏ dù bản chất khác rất xa vết “sẹo” bạo lực. Đó là cựu tuyển thủ quốc gia Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt đều của đội Long An. Cả hai bị xem là “tội đồ” chính trong hành vi phản cảm của đội Long An trên sân Thống Nhất chiều 19-2 với án phạt treo giò hai năm. Ở tuổi ngoài 30 của hai cầu thủ trên, việc nhận án phạt hai năm cấm thi đấu cũng đồng nghĩa với “án tử” đời cầu thủ mà cả hai đều nghĩ đến việc giải nghệ rồi học, tìm cho mình một nghề khác để sống.

Chia sẻ về vấn đề trên, cựu cầu thủ Thể Công lại cũng từng là ủy viên Ban Chấp hành VFF, Tổng Biên tập báoBóng Đá Vũ Mạnh Hải nói: “… Quang Thanh và Minh Nhựt có lỗi không? Có! Họ cũng cần có bản án dành cho hành động sai. Nhưng bản án của họ theo tôi là bản án dành cho “LỖI” chứ không phải bản án dành cho “TỘI”. Sự bột phát của họ có tác động lớn từ cấp chỉ huy Long An. Nếu không có phản ứng hăng hái của nguyên Chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm và lãnh đạo đội bóng, có cho tiền họ cũng không dám làm gì ngoài việc ngoan ngoãn thi đấu. Họ nhận mệnh lệnh “dừng chơi” được phát đi từ lãnh đạo, từ cấp chỉ huy và họ là người trực tiếp thực hiện. Xử họ theo kiểu tìm kẻ yếu thế và yếu miệng nhất để đánh mạnh nhằm xoa đi những phận “TỘI” từ công tác điều hành, từ những “quyền lợi nhóm” làm ảnh hưởng đến cuộc chơi lớn và là những mồi lửa cho các CLB yếu thế phản kháng vì bị o ép, như thế là bất công…”.

Cùng với cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải, nhiều nhà chuyên môn đặc biệt là những cựu cầu thủ còn phân tích: “Lãnh đạo đội bóng Long An nhận bản án ba năm thì họ có thể trở về làm với nghề tay phải của mình, còn các cầu thủ như Quang Thanh, Minh Nhựt, họ chỉ có mỗi một nghề nhưng xử án kiểu “bịt nghề” duy nhất của họ lại buộc họ phải dò dẫm đi tìm nghề khác để sống là một việc không hợp cả tình lẫn lý. Tiếc là ở Việt Nam chưa có hiệp hội cầu thủ để bảo vệ quyền lợi cho những cầu thủ rơi vào cảnh như trên. Điều mà từ lâu giới cầu thủ rất mong muốn được hình thành nhưng VFF thì lại ngăn không cho hiệp hội này ra đời.

Bóng đá Việt Nam trong một thời điểm ngắn có những hoàn cảnh giã từ sân cỏ khác nhau nhưng đều là vết “sẹo” lớn khó lành mà cầu thủ thì gánh chịu, trong khi “bệnh” và phần gốc vẫn còn nguyên và có thể sẽ tiếp tục nảy sinh.

Và nguy hiểm nhất bây giờ với bóng đá Việt Nam là vết “sẹo” về niềm tin. Họ không tin vào bộ phận điều hành, không tin vào những người cầm cân nảy mực và không tin cả sự minh bạch ở một nhóm người có quyền khiến 25.000 chỗ như sân Thống Nhất mà nay chỉ còn 500 người xem với đa số là vé mời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm