Về đề án cải tổ công tác điều hành V-League của bầu Kiên: Năm 2008 đã có đề án trên nhưng bị bác bỏ

Xác định với chúng tôi, nhiều thành viên trong VFF cũng xác nhận về cơ bản đề án của bầu Kiên rất giống với đề án của Phó Tổng Thư ký Dương Nghiệp Khôi trình bày năm 2008 và bị Thường trực VFF khi ấy bác bỏ.

Một thành viên của VFF phân tích bản đề án năm 2008 của ông Dương Nghiệp Khôi như sau: “Đề án đấy ngay từ đầu đã được ông Khôi xác định là đề án mà các quốc gia làm bóng đá chuyên nghiệp thực hiện từ rất lâu. Ông Khôi hồi đấy đưa ra khuyến cáo cần phải thực hiện gấp vì đây là xu hướng chung và cũng là khuyến cáo của FIFA với bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó là lời cảnh báo “Nếu Việt Nam không theo mô hình này thì đội tuyển Việt Nam sẽ bị FIFA cấm thi đấu các giải quốc tế”. Cũng cần phải nói thêm là thời điểm ông Khôi trình bày cũng là lúc ông đang bị “treo” sau sự cố cổ động viên Hải Phòng và SL Nghệ An loạn đả trên sân Vinh rồi tháo chạy làm một cổ động viên Nghệ An chết nên việc trình bày trên lại bị hiểu là ông Khôi đang muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Tổng cục TDTT lẫn Thường trực VFF. Chính vì thế mà đề án làm rất bài bản theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp các nước của ông Khôi đã bị bác bỏ thẳng thừng từ hàng ghế chủ tọa…”.

Về đề án cải tổ công tác điều hành V-League của bầu Kiên: Năm 2008 đã có đề án trên nhưng bị bác bỏ ảnh 1

Đề án mà bầu Kiên đưa ra trước đây có những người đưa ra nhưng bị bác bỏ. Ảnh: QUANG THẮNG

Việc ba năm trước đề án của ông Khôi bị tuýt còi còn vì nếu công ty hoạt động độc lập ấy hình thành, nó sẽ đi ngược với quyền lợi của VFF trong việc đứng ra tổ chức giải và thu tiền theo quan điểm tăng thu giảm chi, sinh ra lãi lớn. Đấy được xem là chuyện trong nhà của VFF.

Trở lại với đề án của bầu Kiên, nhiều người nói rất giống với đề án của ông Dương Nghiệp Khôi. Tuy nhiên, chính ông Khôi khi nói về hai đề án đã nhận xét rất thật (trích): “Đề án do ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tốt hơn đề án của tôi và điểm nổi bật trong đề án của ông Kiên là đã dành cho VFF nắm quyền chủ động một cách rõ ràng hơn, thuyết phục hơn đồng thời các CLB không phải đóng phí hằng năm…”.

Cũng trong ngày hôm qua, chúng tôi nhận được dự thảo và chương trình hành động của luật sư Trần Vũ Hải khi ông tự ứng cử chức chủ tịch VFF và cẩn thận biên soạn, in ấn gửi đến các thành viên tham dự Đại hội LĐBĐVN cách đây năm năm thì cũng có những nội dung đề xuất thành lập một công ty tổ chức tách ra khỏi bộ máy của VFF. Về cơ bản, nội dung đấy cũng không khác xa đề án của bầu Kiên tức cũng thành lập một công ty và hội đồng quản trị của công ty đấy sẽ quyết định đến việc điều hành giải. Ngoài ra, dự thảo và chương trình hành động trên của luật sư Hải còn nêu rõ vai trò của tổ chức xã hội hóa, trong đó có việc không bị “tròng” của Ủy ban TDTT (sau này là Tổng cục TDTT) dẫn dắt và tách khỏi việc người của Ủy ban TDTT điều hành theo dạng “cài cắm”.

Thực chất thì các đề án của ông Kiên, ông Khôi hay dự thảo chương trình hành động của luật sư Trần Vũ Hải đều có những điểm nhấn chung là thoát khỏi việc vừa đá bóng vừa thổi còi mà VFF nhúng vào từ A đến Z. Nó nằm trong điều kiện cần và đủ của việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp mà quốc gia nào xây dựng cũng theo mô hình đấy - mô hình được FIFA khuyến cáo.

Chỉ có điều khác là khi các ông bầu đe dọa rút khỏi bóng đá cùng việc gây sức ép mạnh và yêu cầu VFF phải cải tổ thay cho phương án cũ kỹ thì mọi cái mới theo chiều hướng thuận lợi.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm