Vấn đề của đội tuyển Việt Nam: Bụt chùa nhà…

HLV Phan Thanh Hùng khi chịu lên dẫn dắt đội tuyển không phải vì mức lương tháng 200 triệu đồng mà cái chính là ông muốn thử thách mình sau nhiều năm làm trợ lý cho thầy ngoại.

Khúc mắc từ chuyện “quân anh, quân tôi”

LĐBĐ VN sau khi sa thải ông thầy người Đức Falko Goetz từ thất bại của U-23 Việt Nam đã ngắm nghía HLV Phan Thanh Hùng là phù hợp nhất. Ngoài ra, trước sức ép của dư luận không cần thầy ngoại (thực chất là không cần thầy dỏm) và nhìn vào tấm gương thầy nội Rajagobal đang thành công với bóng đá Malaysia, LĐBĐ VN càng quyết liệt hơn với phương án Phan Thanh Hùng.

Việc thăm dò các HLV khác trong nước như Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng chỉ là một thủ tục và muốn xóa bỏ sự xôn xao của dư luận hơn là thực tâm LĐBĐ VN muốn giao hai nhân vật này cầm quân. Ngay cả khi Phan Thanh Hùng lên nắm đội tuyển thì ê-kíp của ông cũng không phải hai đồng nghiệp này do nhiều chuyện tế nhị lẫn sự ăn ý cả trên sân lẫn ngoài đời với các trợ lý.

Vấn đề của đội tuyển Việt Nam: Bụt chùa nhà… ảnh 1

HLV Phan Thanh Hùng được xem là có chuyên môn tốt nhưng quá… nho nhã. Ảnh: NGÂN HÀ

Vấn đề của đội tuyển Việt Nam: Bụt chùa nhà… ảnh 2

Trung vệ Gia Từ (26) vẫn chưa… chín so với đàn anh như Phước Tứ, Như Thành trước đây. Ảnh: NGÂN HÀ

Thực chất ở các đời thầy ngoại trước như Riedl thường chọn quân SL Nghệ An hay Thể Công tạo thành một nhóm trụ cột. Còn ông Calisto sau này lấy “lính” ĐT Long An cũng bị dị nghị “quân anh, quân tôi” nhưng dưới thời thầy nội thì người ta càng có cái nhìn khắt khe hơn dù ông Hùng làm trong phạm vi quyền hạn của mình.

Trên bảo dưới không nghe?

Các chuyên gia bóng đá trong nước đã đặt nhiều dấu chấm hỏi về việc có một số cầu thủ bất hợp tác với HLV Phan Thanh Hùng (!?). Ngay cả ông Hùng sau trận thua muối mặt Philippines cũng không thể lý giải đầy đủ nguyên nhân học trò đá tập thì rất tốt nhưng khi vào trận lại rối như gà nuốt dây thun.

Trao đổi với báo giới, HLV Phan Thanh Hùng cho rằng cầu thủ chịu sức ép quá lớn ở tư thế kèo trên và buộc phải thắng nên không thể hiện hết sức mạnh của mình. Hơn nữa, việc bị Myanmar cầm hòa trận ra quân mà chỉ tiêu là thắng đã khiến nhiều cầu thủ ra sân càng trạng thái hơn. Nội bộ đội tuyển hoàn toàn không có chuyện mất đoàn kết hoặc chống phá ban huấn luyện vì lợi ích nhóm của riêng mình.

Thế nhưng giới chuyên gia cho rằng đấy là một cách nói để bào chữa cho cái thua đau điếng và một khi mọi việc chưa có gì chắc chắn thì chuyện trên bảo dưới không nghe mới chỉ là suy đoán.

Dưới góc nhìn thực tế hơn, người ta chỉ ra tính thiên vị, cầu toàn và bảo thủ của Phan Thanh Hùng qua việc thường sắp “quân của mình” vào đội hình xuất phát ở hai trận đầu nên rất dễ bị đối phương bắt bài. Chẳng hạn, tiền vệ Phan Thanh Hưng chơi rất mờ nhạt vẫn đá suốt trong khi Vũ Phong hiếm hoi ra sân hoặc Ngọc Duy, Sĩ Cường, Hồng Tiến của Hà Nội T&T đi theo cho đủ tụ hơn là đóng góp về chuyên môn cho tuyển (!?).

Tướng Hùng hiền lành hay yếu bóng vía?

Ở trận thua Philippines, HLV Phan Thanh Hùng ít ra sát đường biên hò hét truyền lửa cho học trò, điều mà ông không học được từ HLV Calisto. Với Philippines, hai lần thay người thì chính hai siêu dự bị có pha phối hợp đẹp mắt ghi bàn duy nhất. Chính vì thế, các chuyên gia ngờ rằng tính cách ông Hùng hiền lành quá và ông thường chậm chạp trong các phương án thay người lẫn điều chỉnh lối chơi. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng với thái độ cầu toàn, ông Hùng không dám mạo hiểm thay đổi, hay nói cách khác vì ông thầy yếu bóng vía nên lối chơi của đội chỉ một màu nhàn nhạt không lối ra.

GIA HUY - ĐĂNG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm