U-23 Việt Nam: Người ăn không hết, kẻ lần không ra

Ông thầy người Hàn Quốc thừa nhận lứa tuyển thủ trẻ hiện tại so với đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) lên ngôi á quân U-23 châu Á hồi năm ngoái còn tồn tại một khoảng cách xa trình độ chuyên môn. Nguyên nhân do ông Park nhìn nhận là thiếu cọ xát dẫn đến yếu kinh nghiệm và kém kỹ năng.

Những cầu thủ trẻ đã từng đá giải châu Á cho thấy sự vượt trội hơn nhóm còn lại nhờ sự trui rèn thường xuyên ở các giải vô địch quốc gia trong nước. Đấy cũng chính là sự khác biệt của bóng đá trẻ VN khi lên tuyển về lại không có chỗ chơi ở CLB.

Dĩ nhiên ông Park Hang-seo có cách điều chỉnh của riêng mình, như việc yêu cầu VFF cho hội quân U-23 liên tục để thích nghi với cách chơi chung của đội tuyển và đặc biệt là năm tuần tập trung cao điểm chuẩn bị săn vàng SEA Games 30 vào cuối tháng 11.

Nếu như ông thầy người Hàn Quốc có phần an tâm về chất lượng của các tuyển thủ quốc gia có đẳng cấp đồng đều hơn, đủ cho cuộc cạnh tranh gay gắt tại vòng loại World Cup 2022 thì lực lượng của đội U-23 chưa cân bằng về trình độ giữa các nhóm cầu thủ. Rất dễ thấy cảnh kẻ ăn không hết, người lần không ra khi về CLB chơi giải quốc nội.

Nếu Văn Hậu, Quang Hải không khiến HLV Park Hang-seo lo ngại (ảnh trên) thì thủ môn Bùi Tiến Dũng (ảnh dưới) từ lâu không được ra sân thi đấu. Ảnh: NGỌC DUNG

Chẳng hạn Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu (đều của Hà Nội), hay Hoàng Đức (Viettel), Tấn Tài (B. Bình Dương), thủ môn Văn Toản (Hải Phòng), Việt Hưng (HA Gia Lai)… liên tục có suất ra sân đá chính, chơi miệt mài có lúc quá tải. Ngược lại, thủ môn Bùi Tiến Dũng chưa chơi V-League phút nào hoặc đồng đội của anh ở Hà Nội như tiền vệ Thái Quý, Thành Chung vẫn chật chội trên ghế dự bị giống Thanh Sơn (HA Gia Lai).

Một số tuyển thủ U-23 VN về lại CLB thậm chí còn không có chỗ chơi, hay khó khăn tìm chỗ đứng như chân sút số một Hà Đức Chinh trong màu áo SHB Đà Nẵng, bị chấn thương vừa hồi phục như Tiến Linh ở B. Bình Dương.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm thêm cầu thủ và tập huấn liên tục để giúp họ quen thuộc với các bài chiến thuật, giảm sự chênh lệch trình độ chuyên môn. Hơn nữa, SEA Games thường thi đấu với mật độ dày hai ngày một trận nên tôi cần chuẩn bị đầy đủ về con người” - HLV Park Hang-seo tiết lộ.

Trong thời gian từ tháng 6 cho đến khi SEA Games khởi tranh vào cuối tháng 11, đều đặn mỗi tháng đội tuyển U-23 VN sẽ hội quân một lần, khoảng 7-10 ngày. Từ đầu tháng 10, đội sẽ tập trung dài ngày với năm tuần chuẩn bị theo yêu cầu của HLV Park Hang-seo trước khi sang Philippines thi đấu SEA Games 30 vào cuối tháng 11 với nhiệm vụ đoạt chức vô địch.

Chia cầu thủ cho hai đội tuyển

Thầy Park bên cạnh việc bỏ công sức và thời gian rút ngắn khoảng cách giữa họ, ông còn phải cân đối lực lượng cho phù hợp cho hai đội tuyển. Ông thầy Hàn cho biết: “Chúng tôi sẽ phải khắc phục vấn đề của một số cầu thủ trong độ tuổi thi đấu SEA Games nhưng đồng thời là tuyển thủ đội tuyển quốc gia. Các cộng sự của tôi sẽ xem các trận đấu để chọn và phân loại ra cầu thủ sẽ tập trung cho World Cup hoặc chỉ dành cho SEA Games”.

Đầu tháng 6 này, hai đội tuyển quốc gia và U-23 sẽ hội quân. Ông Park Hang-seo dẫn dắt tuyển quốc gia sang Thái Lan dự giải giao hữu King’s Cup từ ngày 5 đến 8-6, còn đội tuyển U-23 VN với lực lượng các cầu thủ trong độ tuổi thi đấu SEA Games 30 (U-22+2) có khoảng năm ngày rèn quân trước khi đá giao hữu với U-23 Myanmar vào ngày 7-6 trên sân Mỹ Đình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm