Từ vụ bạo loạn kinh hoàng trên sân Vinh: S.O.S. hooligan!

Tôi không gọi những người lao vào nhau ẩu đả và trút những đòn thù lên nhau cho hả giận (không phải tự vệ) là cổ động viên vì cổ động viên chân chính không bao giờ hành xử kiểu xã hội đen như thế.

Hôm qua, rất nhiều người điện thoại đến Pháp Luật TP.HCM và hỏi trong số 1.000 khán giả đến sân Vinh chiều 25-5, có bao nhiêu người là cổ động viên thực thụ và bao nhiêu người là những kẻ ăn theo để phá hoại bóng đá? Hội cổ động viên Hải Phòng có nắm chắc số thành viên và số hội viên thực thụ của mình không?

Tương tự là câu hỏi đối với các khán giả Nghệ An. Và cũng không biết trong số những khán giả Nghệ An hung hăng nhất đòi xử khán giả Hải Phòng, có bao nhiêu người từng nằm trong “đội ngũ” đã “truy sát” khán giả Thể Công ở vòng đấu 13?

Cũng cần nhớ rằng trong cặp đấu trên tại lượt đi, cổ động viên Hải Phòng đã từng đốt pháo sáng và quậy tưng bừng rồi uy hiếp tinh thần cầu thủ Sông Lam Nghệ An đến nỗi sau đó, sân Lạch Tray bị đóng cửa một trận. Và 43 ngày trước, cũng ở cái sân ấy, một số phần tử kích động trong số khán giả Nghệ An đã rượt đuổi, truy sát cổ động viên đội khách đến đổ máu, phải nhập viện chỉ vì cho rằng “vào nhà mình mà không ngoan lại còn khiêu khích”.

Tất cả những dữ liệu ấy cho thấy đây là một trận đấu “nóng” và “ân oán” ấy đã nhen nhúm từ những hooligan ẩn mặt của bóng đá Việt Nam đội lốt cổ động viên.

Em bé này tội tình gì mà phải chịu vạ lây bởi những kẻ phá hoại bóng đá? Ảnh: HOÀNG ANH
Em bé này tội tình gì mà phải chịu vạ lây bởi những kẻ phá hoại bóng đá? Ảnh: HOÀNG ANH

Các cổ động viên chân chính không bao giờ dám xé rào vì họ biết luật và biết việc vi phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội bóng của mình. Chiều 25-5, rõ ràng là có nhiều người không phải là cổ động viên mà là những hooligan. Đá ném vào, gạch chọi ra, rồi dồn ép nhau và loạn đả ngay trên mặt sân, bất chấp sự can thiệp của lực lượng bảo vệ. Máu đã đổ nhiều rồi và tiếp tục đổ xuống cùng một cái chết thương tâm từ cuộc trốn chạy của khán giả đội khách trên đường thoát thân.

Bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ phải nhận lãnh một hậu quả rất lớn và bây giờ không phải là lúc đổ tội. Cái chính là mọi người sẽ phải hợp lực ngăn chặn hiện tượng hooligan đang nảy sinh trên các sân bóng như thế nào, bởi ban tổ chức đã bất lực từ lâu và VFF có lúc gần như không kiểm soát nổi.

Bóng đá là một cuộc chơi nhưng tiếc rằng những nhà điều hành vẫn còn rất “tơ” với khái niệm bóng đá chuyên nghiệp và để những kẻ phá hoại đã biến cuộc chơi ấy thành nơi để xử lý nhau và trút những đòn thù lên nhau.

Hôm qua, ban tổ chức V-League đã nhận trách nhiệm về mình và nhận cả sự yếu kém của mình. Xét cho cùng thì ban tổ chức mới chỉ là một phần rất nhỏ trong bộ máy điều hành bóng đá và trên cả bóng đá.

Anh Hà Huy Thành trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện....
Anh Hà Huy Thành trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện....
... Để lại vợ và con thơ.
... Để lại vợ và con thơ.

Kinh hoàng bóng đá Việt Nam

Hôm qua, trên các trang báo đã có rất nhiều từ mạnh để chỉ hình ảnh đau buồn của bóng đá Việt Nam. Chương trình 24/7 của VTV cũng đã đưa những hình ảnh kinh hoàng từ cuộc loạn đả và những nạn nhân của trận đánh giáp lá cà giữa hai nhóm cổ động viên. Chúng tôi xin được điểm lại kèm theo những thống kê qua các sự cố.

- Ngày buồn của bóng đá Việt Nam. Sau cuộc hỗn chiến là những hình ảnh đau thương đầy ám ảnh: một CĐV nằm cong mình bất động hứng chịu đòn thù; rất nhiều CĐV ôm đầu máu ngồi thất thần trên sân và hàng chục người khác phải đi cấp cứu với thương tích đầy mình; một em bé bị vạ lây trật khớp tay, kêu khóc thảm thiết; một người vợ trẻ mất chồng, con mất cha (ảnh - VNN) sau khi bị một chiếc xe chạy loạn đâm phải...

- Rõ ràng là bộ máy quản lý bóng đá Việt Nam đang bị vô hiệu hóa và không thể kiểm soát tình hình khiến cho hành vi bạo loạn ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Sự cố trên sân Vinh chiều 25-5 chỉ là một kiểu lặp lại vụ CĐV Thanh Hóa truy sát cầu thủ và CĐV Sông Lam Nghệ An hồi năm ngoái. Rất may là cuộc trốn chạy của đội khách không có máu đổ nhưng đã để lại cơn dư chấn tinh thần đầy ám ảnh. Trước đó, nguy cơ hỗn chiến đã từng xuất hiện trên sân Quân khu 7 khi CĐV Thanh Hóa làm loạn và khiêu khích mà rất may là CĐV Thép Cảng đã hòa hoãn.

Những nỗi đau trên sân Vinh

- Năm 1998: HLV Vương Tiến Dũng từng đưa Thể Công đến làm khách trên sân Vinh. Trận đấu hòa 1-1, các CĐV Sông Lam Nghệ An nóng máu quây lại đòi đánh cầu thủ đội khách. Cả đội Thể Công nửa đêm mới thoát ra khỏi vùng bị bao vây, chạy thoát thân trên chiếc xe bị ném đá và tiền vệ Minh Tiến bị ném trúng đầu đổ máu.

- Ngày 8-7-2004, vòng chung kết Cúp Quốc gia: Tan trận, hơn 5.000 khán giả còn nán lại trên khán đài chửi rủa om sòm và ném vật lạ vào tổ trọng tài Đặng Thanh Hạ ở giữa sân. Thậm chí đêm hôm ấy, một số khán giả quá khích còn tụ tập trước khách sạn Kim Liên để “hỏi tội” tổ trọng tài.

- Ngày 13-4-2008: CĐV Sông Lam Nghệ An và Thể Công lao vào nhau ẩu đả, gây đổ máu trên sân Vinh. Cuộc hỗn chiến và chạy loạn diễn ra gần một tiếng trong sự bất lực của lực lượng bảo vệ sân Vinh. Có ít nhất bốn người bị thương phải nhập viện cấp cứu và một số xe chở CĐV đội khách bị đập vỡ kính.

CÔNG TUẤN

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm