Từ ngôi nhà VFF đến các đội tuyển: Sự thật phũ phàng

Trong ngôi nhà đấy, ông Đoàn Nguyên Đức sau nhiều lần lên tiếng giờ cũng chán, chẳng thèm họp và cũng chẳng có ý kiến nữa. Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Gụ thì nêu vấn đề ban chấp hành đã có ý kiến và đang bị thành phần còn lại cho là “chống đối”, là “phá”…

Tổng thư ký Lê Hoài Anh sau khi cùng đội U-23 Việt Nam dự vòng chung kết châu Á trở về Việt Nam đã nhắn nhủ với người quen ở làng báo là đừng “phang” các em nhiều quá, tội nghiệp! Ông cho rằng học trò của ông Miura đã chơi hết sức mình rồi mà lực bất tòng tâm trước các đối thủ quá lớn nên có thua cũng là chuyện bình thường. Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ cũng từng bị trách móc sao để báo chí “đánh” VFF nhiều quá nhưng hóa ra sự thật không phải thế!

1. Ông Hoài Anh nói đúng. Học trò ông Miura đã nỗ lực rất nhiều và thực chất chẳng có ai “phang” các cầu thủ U-23 cả. Báo chí, các nhà chuyên môn và người yêu bóng đá chỉ nói về những sự bất hợp lý trong cách dùng người lẫn lối chơi mà ông Miura đã mặc định cho đội tuyển.

Thầy Nhật đã đi hết sai lầm này đến sai lầm khác, từ giải này đến giải khác và những lá bài đã lật ngửa ở vòng chung kết châu Á mới đây thôi!

Bầu Kiên từng nói bóng đá như một sân khấu bốn mặt nên chẳng có gì giấu được người xem cả. Đội tuyển U-23 Việt Nam thua ở đấu trường lớn lần này không có gì đáng ngạc nhiên. Có chăng là những vết gợn của HLV Miura bày ra sau ba trận thua mà tiếc là các trợ lý của ông hoặc cấp trên phụ trách chuyên môn theo sát đội vẫn không có điều chỉnh tốt hơn.


Ở VFF bây giờ ít ai dám nói thẳng, nói thật, góp ý hay chỉ ra những sai trái như ông Gụ, ông Đức mà hay có thói quen “Dạ!”, “Vâng!” dù biết là sai. Ảnh: CTV

Sự thật là khi đặt đúng người, đúng vị trí và để họ chơi đúng với sở trường của họ thì đội có nhiều đất diễn hơn và cơ hội chiến thắng cũng cao hơn. Tiếc là ông thầy Miura đã nhìn ra sự thật quá muộn.

Chuyện sắp đội hình ra sân và chỉ đạo cầu thủ đá ra sao là chuyện của ông Miura. Còn có một bí mật khác, nghe nói là các học trò thầy Miura sau hai trận thua đã tự bảo nhau chơi theo ý của mình để tạo ra 90 phút đầy hứng khởi trước U-23 UAE nhưng không ai mong đấy là sự thật.

2. Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ tiết lộ gần đây ông hay bị nhiều người “mắng” là phụ trách truyền thông - đối ngoại sao lại để báo chí “đánh” VFF nhiều quá! Ông đại tá quân đội khẳng khái hỏi lại: “Thế báo chí viết về VFF có sai sự thật không?”.

Câu hỏi ngược lại của ông Gụ không có ai trả lời được bởi sự thật không thể bóp méo dù nó có phũ phàng đến cỡ nào. Ông phó chủ tịch VFF dẫn chứng có lần báo chí đặt nghi vấn về việc đội tuyển Việt Nam bán độ trong trận lượt về bán kết AFF Cup 2014 thua đội khách Malaysia 2-4 và mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc. Nhiều người trong cuộc bán tín bán nghi nhưng khi cơ quan chức năng xác định cầu thủ không bán độ, họ nói báo chí đưa tin không đúng sự thật.

Hóa ra sự thật không phải do báo chí dựng chuyện. Nó chính là cuộc nói chuyện qua điện thoại của ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng với PV khi trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình mới chỉ diễn ra 30 phút. Từ nguồn tin ông Dũng nói rằng đội tuyển bán độ, báo chí đã trích dẫn lại chứ không phải báo chí “đánh” VFF.

Còn trong cuộc gặp mặt cuối năm của đại diện VFF với cánh báo chí, có câu hỏi “Các anh hãy trả lời thật lòng là VFF có mất đoàn kết không?” thì chẳng ai nói có nhưng trước đó thì các vị cứ “phang” nhau trên báo chí. Diễn giải cụ thể hơn về cái gọi là “mất đoàn kết”, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ nói rằng không phải ai ngồi trong ngôi nhà VFF cũng thẳng thắn và đủ dũng cảm để phản biện như ông và Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức mà ngược lại chỉ quen gọi dạ bảo vâng. Cũng vì thế mà ai phản biện thì bị quy là “phá”, là mất đoàn kết.

Hy vọng sự thật ở VFF không như cựu Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà từng nói: “VFF có đoàn kết đâu mà mất!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm