Xuân Trường ở Buriram có giống như Ahn Jung-hwan ở Perugia?

World Cup 2002, tuyển Hàn Quốc đánh bại tuyển Ý tại tứ kết bằng bàn thắng quyết định của Ahn Jung-hwan. Sau đó, Ahn Jung-hwan trở về Ý tiếp tục thi đấu cho CLB Perugia thì bị người Ý ghẻ lạnh phải dạt sang Nhật Bản.

Xuân Trường trong màu áo Buriram Utd.

Lương Xuân Trường đầu quân cho Buriram Utd qua bản hợp đồng cho mượn 1 năm (theo báo chí Thái Lan). Nhưng mới hết giai đoạn 1, Xuân Trường đã quy cố hương. Điều này dấy lên thông tin hoài nghi liệu Xuân Trường có phải là “bản sao Ahn Jung-hwan” sau World Cup 2002?

Sau trận thua cay đắng trước chủ nhà Hàn Quốc ở World Cup 2002, người Ý đã lên án, nghi ngờ trọng tài Moreno bị mua chuộc vì cho rằng vị trọng tài này ép tuyển Ý. Cùng với đó, mâu thuẫn, tranh cãi được đẩy lên đỉnh điểm bởi lực lượng fan của Ý và Hàn Quốc khiến báo chí thế giới từng tốn nhiều giấy mực.

Dư luận thế giới đã nghĩ đến chuyện Ahn Jung-hwan quay lại  có “sống nổi” với CLB Perugia của Ý hay không. Và thật vậy, sau World Cup 2002, Ahn quay lại Ý để tiếp tục đá cho Perugia nhưng bị ghẻ lạnh, cô lập.

Khi Perugia đá sân nhà hay sân khách thì Ahn Jung-hwan cũng bị CĐV ném đá, la hét, đồng đội thì không bảo bọc, vỗ về vì còn cay. Thậm chí thông tin lúc đó còn cho rằng, trọng tài Mereno bị Hàn Quốc mua chuộc nên cả đội Hàn Quốc và nhất là Ahn bị cô lập và trút giận.

Xuân Trường ở Buriram có giống như Ahn Jung-hwan ở Perugia? ảnh 2

Ahn Jung-hwan ghi bàn vào lưới tuyển Ý ở World Cup 2002.

Nói thế để thấy rằng, Xuân Trường đá ở Buriram Utd, đội bóng góp quân đông nhất cho tuyển Thái Lan tại King’s Cup 2019 vừa qua bị ghẻ lạnh và thậm chí cay cú là điều có thể xảy ra.

Trận Thái Lan- Việt Nam tại King’s Cup 2019 trong cái đêm 5-6 ấy là trận cầu căng thẳng. Nhiều tuyển thủ Thái Lan vì cái đầu nóng đã đánh mất mình bằng lối chơi thô bạo. Những đồng đội của Xuân Trường ở tuyển Việt Nam bị các cầu thủ Buriram trong màu áo tuyển Thái Lan đá rát.

Và sau đó khi Xuân Trường trở về lại với Buriram Utd bị ghẻ lạnh là điều cũng tự nhiên.

Xuân Trường có lối chơi vốn chưa hòa nhập được với Buriram. Đầu mùa Thái-League 2019, HLV Bandovic đã tạo điều kiện cho Trường ra sân đội hình xuất phát hai trận liên tiếp và đá chừng 73 phút mỗi trận. Nhưng sau đó, Xuân Trường mài đũng quần trên băng ghế dự bị từ Thai-League đến AFC Champions League.

Đã vậy Thái Lan thua đau Việt Nam ở một trận đấu mà hầu hết các tuyển thủ Thái Lan cực kỳ cay cú muốn vùi dập tuyển Việt Nam, thua không còn điều kiện để gỡ gạc (thua phút cuối cùng trận đấu bằng bàn thắng của Anh Đức), đã khiến Trường khó khăn hơn ở Buriram.

Xuân Trường không hòa nhập được lối chơi của Buriram Utd?

Trong lần trả lời On Sport, Xuân Trường cho rằng, anh không bị cô lập ở Buriram sau King’s Cup, mà cái chính là cách chơi chưa hòa nhập. Cầu thủ Việt ra nước ngoài đá thì ở đâu cũng khó khăn, từ Hàn Quốc đến Thái Lan nhưng về V-League vẫn là… ấm áp nhất. Xuân Trường cũng thừa nhận rằng, nhiều cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu chưa trang bị đầy đủ những gì thuộc về một cầu thủ chuyên nghiệp. Điều này là sự thật.

Xuân Trường chưa phải là cầu thủ không thể thiếu ở Buriram Utd, nếu Xuân Trương đủ bản lĩnh, đủ vốn sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của bóng đá chuyên nghiệp nói chung và Buriram nói riêng thì Trường dễ vượt qua…

Ở đây Xuân Trường gặp quá nhiều khó khăn trong phong cách chơi bóng của mình với Buriram cùng với đó là việc tuyển Việt Nam đánh bại tuyển Thái Lan, nơi có rất nhiều cầu thủ Buriram thì sức ép cho Trường… rời khỏi nhà vô địch Thai- League là điều khó tránh khỏi. Trường chưa bản lĩnh như những ngôi sao thế giới để có thể đánh tan mọi dị nghị và buộc đồng đội phải khuất phục vì mình.

Xuân Trường có thể là một “bản sao” dạng như Ahn Jung-hwan của tuyển Hàn Quốc sau World Cup 2002 vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm