Xả cửa thì không phải là bóng đá chuyên nghiệp

Đó phải là trận đỉnh cao được chờ đợi vì tên tuổi hai đội bóng hàng đầu đoạt thứ hạng cao nhất ở mùa bóng 2017. Một trận cầu đỉnh và “đinh” như thế đúng ra phải xứng danh và phải là trận đấu được người hâm mộ chờ đợi, săn lùng chiếc vé… Thế nhưng không biết nên vui hay buồn khi trận cầu đỉnh đấy lại xả cửa tự do.

Về mặt ý nghĩa tất nhiên nó là một trận cầu đỉnh cao vì tên gọi là “siêu” mà. Cuộc chạm trán của hai nhà vô địch hai giải đấu đối đầu nhau lẽ ra nó phải được kinh doanh và bán vé đúng nghĩa của một trận “siêu” nhưng nay ban tổ chức lại quyết định xả cửa để “phục vụ”. Xa hơn nữa là để có khán giả đến sân thay cho cảnh trống vắng ở sân bóng thủ đô như thường thấy.

Câu chuyện bóng đá chuyên Việt Nam qua 17 mùa nhưng đâu đó nhiều CLB cứ hay xả cửa để “cầu” khán giả vào sân. Điều đó vẫn hay diễn ra và lắm lúc ban tổ chức là VPF phải nhắc nhở các chủ sân phải bán vé để giữ gìn “thương hiệu”.

Chiếc vé khẳng định cho một giải đấu, một thương hiệu khác hẳn với việc xem free kiểu bóng đá phong trào mong có khán giả vào sân và để nhà tài trợ thấy mà vui.

Vẫn biết rằng những nhà tổ chức có cách tính riêng của mình nhưng một trận bóng không bán vé mà xả cửa cho xem free thì ý nghĩa của việc phục vụ sẽ không cao, còn tính chuyên nghiệp thì sẽ mất rất nhiều.

Bởi bóng đá chuyên nghiệp thì nguồn tiền từ bán vé, bản quyền truyền hình và từ tài trợ phải là nguồn thu chủ đạo thì mới mong tồn tại và phát triển.

Cách đây không lâu, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng yêu cầu tân chủ tịch VPF là phải bán cho được bản quyền V-League và xem đấy như điều sống còn. Bây giờ một trận cầu đỉnh cao của đầu mùa giải lại xả cửa tự do. Có thể khán giả không mất tiền được vào sân thưởng thức sẽ thích đấy nhưng xem bóng đá chuyên nghiệp mà free thì có còn là chuyên nghiệp?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm