Vòng chung kết U-23 châu Á: ‘Nóng’ tại Qatar

Các đội U-23 các quốc gia trong khu vực châu Á tham dự vòng chung kết đang ngược xuôi tập luyện và thi đấu giao hữu. Bí ẩn nhất và dày công nhất là đội chủ nhà U-23 Qatar đang tập huấn tại Tây Ban Nha. HLV Felix Sanchez của Qatar đặt mục tiêu lấy vé dự Olympic Rio 2016. Tuần này toàn đội sẽ rời Tây Ban Nha ghé qua Thổ Nhĩ Kỳ và tại đây toàn đội có một trận giao hữu tới đội tuyển Iceland đang trú quân tại đó. Đến ngày 7-1, toàn đội Qatar sẽ lên đường về nước tham dự giải với tư cách chủ nhà.

Điều đáng nói là nếu như các đội U-23 đến các quốc gia lận cận để dự các giải “tam giác” hay giải “tứ hùng” thì HLV Sanchez của Qatar ém quân ở châu Âu không thi đấu giao hữu với bất kỳ đội nào tham dự vòng chung kết.

Trong khi đó, thầy trò HLV Miura của U-23 Việt Nam cũng tất bật không kém. Sau bốn trận giao hữu rà soát lực lượng tại Việt Nam, U-23 của Việt Nam sẽ có trận giao hữu với U-23 Yemen vào tối nay (4-1) và đến ngày 7-1 sẽ gặp đội U-23 Nhật Bản để kiểm tra lại bộ khung lần cuối trước khi bước vào lượt trận đầu.

 Các cầu thủ Việt Nam cũng ráo riết tập luyện chuẩn bị cho giờ G. Ảnh: XUÂN HUY

Các đội như U-23 Úc, U-23 UAE, U-23 Jordan nằm cùng bảng với Việt Nam đều thận trọng trong việc thi đấu giao hữu và tham dự các giải tập huấn tại các nước lân cận.

Trong khi các đội CHDCND Triều Tiên, Uzbekistan, Trung Quốc, Jordan… đã tề tựu về UAE tập huấn thì đội này không thi đấu tập huấn với các đội đến UAE “quá cảnh” mà lại tìm nơi khác để tập huấn và thi đấu giao hữu.

Với UAE năm nay họ ém nhẹm thông tin sau khi đặt mục tiêu vào tốp ba. Olympic London 2012, UAE là một trong ba đại diện châu Á cùng Hàn Quốc và Nhật Bản.

Riêng Úc thì từng có mặt tại Olympic Bắc Kinh 2008 nhưng vẫn rất thận trọng đặc biệt khi lứa U-19 của họ cách đây hơn hai năm từng thua lứa U-19 Việt Nam cả “hai lượt”…

Theo lịch thi đấu thì ngày 14-1, U-23 Việt Nam ra quân trận đầu gặp U-23 Jordan. Một nền bóng đá không phải là mạnh của châu Á nhưng bóng đá trẻ của họ luôn được đánh giá cao mà gần nhất là năm ngoái đội U-22 (thành phần U-23 hiện nay) đánh bại U-22 Hàn Quốc để đoạt HCĐ châu Á.

Làm sao trị dứt bệnh… than cho U-23 Việt Nam?

Các đoàn thể thao Việt Nam hay có thói quen kêu ca khi đi thi đấu quốc tế… Và đội U-23 Việt Nam sang Qatar cũng không tránh khỏi căn bệnh… than. Nào là lệch múi giờ, nào là thức ăn đất nước Hồi giáo không hợp khẩu vị, nào là mất ngủ…

Việt Nam ở vùng nhiệt đới sang Qatar là quá thuận lợi vì Qatar cũng nắng nóng. Những đội đến từ các quốc gia đang mùa đông rất lạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên… có thấy ai kêu ca gì đâu. Chuyện lệch múi giờ cũng thế. Cũng là châu Á chứ đâu phải châu Mỹ hay châu Âu lệch đến nửa ngày đâu mà cứ nghe than phiền. Rồi chuyện ăn uống, ẩm thực… ai cũng thế và cũng phải thích nghi chứ đâu phải chỉ mình ta.

Thiết nghĩ đây là một thứ bệnh chung của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng. Như hồi dự SEA Games không có sự khác biệt về khí hậu thì kêu ca chuyện ăn uống hoặc phía bạn chơi khăm, gây khó dễ.

Muốn thắng đối thủ hãy tập thắng mình trước đã và trước hết là thắng được bệnh… than, bệnh… kêu ca…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm