U19 VN và nỗi buồn của các lò đào tạo trẻ

Giải U19 VĐQG vừa kết thúc tại Gia Lai, với ngôi vô địch thuộc về HN T&T. Đây là giải hội tụ đầy đủ các lò đào tạo trẻ trên các nước và từ giải đấu này, hàng năm bóng đá Việt Nam phát hiện thêm nhiều nhân tố trẻ để bổ sung cho hạng Nhất, V.League hay thậm chí là U23.

Thế nhưng, giải năm nay diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, khi mà có một đội tuyển U19 VN đang trở thành tâm điểm với chuyến tập huấn châu Âu. Nói là đội tuyển U19 VN nhưng cầu thủ phần lớn thuộc quân số của Học viện HAGL. 

U19 Việt Nam, HAGL, SLNA, bầu Đức

U19 VN nhận được sự quan tâm đặc biệt của VFF

Sẽ chẳng ai phải phàn nàn gì khi đội U19 này lấy tên của học viện mình đi ra nước ngoài tập huấn, nhưng đại diện cho cả nền bóng đá lại hoàn toàn. Các đối thủ của U19 VN tại châu Âu vừa qua đều nghĩ rằng mình đang đối đầu với đội tuyển trẻ VN, với những cầu thủ tốt nhất được chọn lọc từ các CLB. Thực tế lại không phải vậy.

Hiếm có quốc gia nào giải VĐQG đang diễn ra nhưng lại có một ĐTQG đi tập huấn, thi đấu. Đơn giải bởi đội tuyển bao giờ cũng lấy quân từ các giải trong nước. Những cầu thủ xuất sắc nhất giải, sẽ được gọi lên tuyển tập trung. Chẳng hạn như ở đội tuyển U23 và ĐTVN, HLV Hoàng Văn Phúc sẽ phải thường xuyên đi xem giò cầu thủ ở hạng Nhất và V.League, sau đó 2 giải đấu này kết thúc HLV này sẽ có một danh sách trình lên VFF, Tổng cục TDTT để có giấy triệu tập.

Vậy mà ngay cả những đội bóng có nhiều cầu thủ tài năng như của SLNA, HN T&T…đã không được gọi lên tuyển. Những giải thưởng như cầu thủ xuất sắc nhất giải, thủ môn hay nhất…không có nhiều ý nghĩa, bởi cơ hội lên tuyển của họ đã được trao cho những cầu thủ khác từ trước đó rất lâu.

Dẫn dắt HN T&T giành chức vô địch, HLV Đức Thắng không ngại khi nói thẳng nhiều năm qua VFF đã không quan tâm tới giải U19 QG, nên có thêm 1 năm nữa cũng chẳng vấn đề gì. Huống hồ năm nay U19 VN với nòng cốt là các cầu thủ Học viện HAGL xuất hiện như một sự cứu cánh với VFF, thì việc đội tuyển này được quan tâm hơn là chuyện đương nhiên.

Trong năm 2013 với những thất bại liên tiếp của U23, ĐTVN, thành công của U19 VN đúng là đã cứu thua cho VFF một bàn thua trông thấy. Thì đấy, sau thất bại ê chề tại SEA Games 23, nhiều người cũng chẳng đòi hỏi một cuộc mổ xẻ như những lần trước, cũng chẳng chỉ trích nặng nề với ông trưởng đoàn hay HLV trưởng. Không phải là người hâm mộ không ghét VFF, ghét U23, mà họ đã bị cuốn vào giải U19 quốc tế tại TP.HCM, với sự tham dự của những cái tên rất “hot”.

Không ai không nhận thấy VFF đang ưu ái như thế nào với Học viện HAGL của bầu Đức. Thậm chí, đội tuyển U19 VN hiện tại gần như được mặc định là đại diện cho cả Việt Nam, thay vì một đội tuyển có tập hợp của nhiều cầu thủ từ các lò đào tạo trẻ trong cả nước.

U19 Việt Nam, HAGL, SLNA, bầu Đức

Những lò đào tạo như SLNA không hiếm tài năng, nhưng cơ hội lên tuyển rất ít

Nói thẳng ra, các lò đào tạo này muốn có một mô hình học viện như của bầu Đức nhưng lực bất tòng tâm vì nhiều lý do khác nhau, trong đó kinh phí là nguyên nhân lớn nhất. Nhiều người đặt câu hỏi không hiểu Việt Nam có vài học viện bóng đá như HAGL, thì lúc đó VFF còn ưu ái cho riêng bầu Đức?

Chuyện một CLB hay một địa phương thay mặt cho ĐTQG từng xảy ra trong quá khứ. Thể Công từng được xem là ĐTQG thu nhỏ và cũng đã có thời kỳ thi đấu rất thành công. Tuy nhiên, với công tác đào tạo trẻ, cách làm của VFF đang không tạo nên sự cạnh tranh giữa các lò đào tạo trên cả nước. Dù cố gắng đến mấy, dù có tài năng đấy, nhưng gần như sau giải VĐQG là…về nhà. Sự bổ sung lực lượng lên U19 VN ngày càng khó bởi đội tuyển này sẽ bị phá vỡ lối chơi khi có sự xáo trộn về nhân sự. Nói cách khác, gần như U19 VN sẽ bê nguyên đội hình hiện tại để tham dự giải vô địch ĐNA và đặc biệt là VCK U19 châu Á sắp tới.

HLV Đức Thắng cho rằng U19 VN hiện tại không tập hợp được hết các tài năng từ nhiều lò đào tạo trẻ trên cả nước. Điều đó đúng, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì khi ngay từ đầu VFF đã lựa chọn và gửi gắm niềm tin vào Học viện HAGL, chứ không phải là phần còn lại.

Theo Huy Phong (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm