Tứ kết AFC Asian Cup: Căng như dây đàn

Đội tuyển UAE ấy cách đây hơn bảy năm thì đã bị tuyển Việt Nam của thầy trò HLV Riedl “nhồi” cho 2-0 tại Mỹ Đình cũng ở giải đấu này. Chiều qua (23-1) thì họ đã làm cho tuyển Nhật phải ôm hận.

Câu hỏi đặt ra với tuyển Nhật là có vẻ như họ có phần sai lầm trong đấu pháp hay không? Đối đầu với các cầu thủ UAE có thể vượt trội các cầu thủ Nhật nhưng tuyển Nhật lại chọn lối chơi bóng dài, nhanh. Chiều qua thì tuyển Nhật hoàn toàn rũ bỏ lối chơi “tiểu tiki taka” truyền thống của mình vốn tạo nên sức mạnh hàng châu Á của bóng đá Nhật. Ngược lại, phía tuyển UAE chấp nhận mình là đội kèo dưới chơi phòng ngự - phản công. Khi mất bóng có đến 10 cầu thủ UAE lùi sâu về phần sân nhà để hỗ trợ cho thủ môn Naser.

Vì HLV của tuyển Nhật là ông Javier Aguirre (người Mexico) từng huấn luyện đội tuyển Mexico và gần chục năm làm bóng đá ở châu Âu nên ông quen với trường phái bóng đá giàu sức mạnh của Nam Mỹ và châu Âu.

 
Tuyển UAE xuất sắc đánh bại tuyển Nhật. Ảnh: AFC

Rõ ràng đấu pháp mà tuyển Nhật áp dụng chiều qua, chơi bóng nhanh, bóng dài, ít chạm trước tuyển UAE đã không thể phát huy tác dụng khi đó là sở trường của UAE hơn là sở trường bóng đá Nhật. Ngay sau khi tiếng còi khai trận vang lên, HLV Aguirre đùng đùng xua quân chơi ồ ạt như những cơn lốc, điều này đã rơi vào chiếc bẫy của UAE vốn sức mạnh, tốc độ và chiều cao của cầu thủ tốt hơn Nhật rất nhiều.

Ba trận vòng bảng của Nhật toàn thắng, ghi được bảy bàn, không để thủng lưới bàn nào trước các đối thủ dưới cơ như Palestine, Jordan và cả Iraq bằng lối chơi vũ bão đã khiến cho HLV Aguirre có phần chủ quan.

Vào vòng knock-out tuyển Nhật trung thành lối chơi này nhưng lại tỏ ra sai lầm.

Vào trận người Nhật tấn công phủ đầu ngay để giải quyết trận đấu sớm, thế nhưng UAE không đáp lại bằng lối chơi tương đồng mà họ chấp nhận giao thế trận cho Nhật để phòng ngự, chực chờ cơ hội phản công. Thật vậy giữa lúc tuyển Nhật đang hưng phấn nhất với những đường chuyền dài vượt tuyến xâm nhập cận thành của thủ môn Naser nhưng gặp phải sự phòng ngự dày đặc của UAE thì cũng là lúc tuyển Nhật hở sườn nhiều nhất. Ngay phút thứ bảy, từ một pha phản công, bóng được các hậu vệ UAE chuyền lên đường trung tuyến, Jabed nhận bóng rồi tiếp tục phóng một đường chuyền sâu vào vùng cấm của thủ môn Kawashima, Mabkhout bứt phá tốc độ cực cao lao xuống đón bóng và sửa nhẹ, bóng đi sệt ngoài tầm với thủ môn Kawashima ghi bàn thắng. Tuyển Nhật chới với.

Có bàn thắng, UAE lại chơi vốn đã nặng phòng ngự thì còn nặng hơn, 10 cầu thủ lùi về sân nhà để “đổ bê tông” nhằm bảo vệ trước các “cơn lốc” Nhật. Tuyển Nhật vẫn liên tục áp đảo ngay trên phần sân đối phương ngay, thế nhưng hiệp 1 kết thúc mà không có thêm bàn thắng nào.

Vào hiệp 2 diễn tiến vẫn không thay đổi, các chỉ số thống kê Nhật đều áp đảo cho đến phút 80 với 15 lần sút cầu môn trong vùng cấm so với UAE chỉ một lần và cũng với tỉ lệ áp đảo này của Nhật 15-1 ở những cú sút ngoài cầu môn.

Tuyển Nhật cứ thể hiện, còn UAE cứ chơi phòng ngự bê tông. Thế nhưng cuối cùng tuyển Nhật cũng tìm được bàn gỡ hòa ở phút 81. Từ một pha phối hợp bật tường trung lộ của hai ngôi sao sáng nhất là Kagawa và Honda. Cuối cùng tiền vệ đang chơi cho AC Milan (Honda) tung cú sút kỹ thuật hạ thủ môn Naser và san bằng cách biệt. Hai đội bước vào hai hiệp phụ mà không bên nào ghi thêm bàn. Cuối cùng phải giải quyết trên chấm 11.

Thật đau lòng cho tuyển Nhật khi hai ngôi sao đắt giá nhất là Honda và Kagawa lại là tội đồ khi đều sút hỏng để UAE thắng loạt luân lưu thứ sáu (chung cuộc 5-4).

Ở trận tứ kết trước đó giữa hai người hàng xóm Iraq - Iran cũng phải giải quyết bằng loạt luân lưu sau 120 phút hòa 3-3. Iraq thắng 8-7.

Như vậy bốn ông lớn của bóng đá Đông Á gồm Nhật, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thì đã bị loại ba, còn lại mỗi Hàn Quốc.

Ở hai trận tứ kết ngày 22-1, Hàn Quốc thắng Uzbekistan 2-0 ở hai hiệp phụ, chủ nhà Úc thắng Trung Quốc 2-0.

Lịch thi đấu ở bán kết

Ngày 26-1: Hàn Quốc- Iraq. Ngày 27-1: Úc-UAE.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm