Trợ lý và… “thầy dùi”

Trợ lý là một cánh tay đắc lực và đúng nghĩa cho HLV trưởng. Chính vì thế hầu hết HLV trưởng, nhất là HLV ngoại khi ra nước ngoài làm việc họ hay yêu cầu dùng êkíp các trợ lý của mình. Trường hợp dùng các trợ lý là người bản địa thì phải là người được tin tưởng, có nghiệp vụ cao và quan trọng nhất là tư cách đạo đức cùng tính trung thực.

Khi một đội tuyển thất bại thì toàn bộ êkíp từ HLV trưởng đến các trợ lý đều có lỗi và nhận lỗi. Thế nhưng với bóng đá Việt Nam thì không ít trường hợp khi đội tuyển thất bại lúc đấy các trợ lý lại tát nước theo mưa “tố” lại HLV trưởng. Họ phê phán HLV trưởng nào là không thức thời, nào là sai lầm, bảo thủ, chiến thuật cổ hủ…

HLV Falko Goetz và các trợ lý của ông khi còn dẫn dắt đội U-23 Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY

Còn lãnh đạo LĐBĐ khi thấy đội tuyển thất bại thì hay “kiểm chứng” HLV ngoại qua các trợ lý nội theo kiểu gọi lên hỏi nhỏ. Thế là từ một trợ lý nội giúp việc cho HLV trưởng, đi chung trên một con thuyền, nhiều trợ lý sẵn sàng biến mình thành “thầy dùi” phê phán không thương tiếc người chịu trách nhiệm cao hơn nhưng cùng thuyền với mình.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít thầy ngoài bị “đâm sau lưng” vì các trợ lý thiếu trung thực và cơ hội.

Điển hình trường hợp của HLV Falko Goetz từng là một HLV có bề dày nhưng chỉ một lần “sụp hầm” ở SEA Games 2011, lập tức bị nhiều trợ lý cùng hội tát nước theo mưa lên án ông không thương tiếc.

Lạ ở chỗ, các quan chức có quyền sinh sát thầy ngoại trước một thất bại thì họ gần như tin tuyệt đối vào các trợ lý bản địa qua những lời nhận xét “đâm chọt” này. Có điều họ quên nghĩ rằng các trợ lý nội hay thế, tư vấn giỏi thế nhưng vì sao không dám hoặc không thể ngồi vào ghế HLV trưởng được.

Bây giờ HLV Toshiya Miura của đội tuyển Việt Nam không có cơ hội mang sang êkíp người Nhật cùng làm việc của mình nên không loại trừ ông cũng sẽ rất cô đơn trong khu vực ban huấn luyện. Thuận buồm xuôi gió thì bằng mặt, bằng lòng nhưng lỡ thất bại thì trách nhiệm lại đổ hết lên HLV trưởng và bị cắt cầu là xong.

Vì thế mà rất mong VFF khi chọn trợ lý cho HLV Toshiyo Miura cũng phải cân nhắc chọn người không chỉ giỏi chuyên môn để có thể giúp việc tốt và cũng cần những người trung thực. Cần những người biết kề vai gánh vác và chia sẻ thực sự cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm cùng thầy ngoại hơn là đi theo để có tụ và lúc có sự cố thì lựa thời thế và “đâm” luôn.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm