Rơi nước mắt trước gia cảnh của nữ tuyển thủ Việt Nam

Gần 1 tuần kể từ trận thua lịch sử trước Thái Lan, nhiều cầu thủ nữ vẫn không tin rằng mình đã mất tấm vé World Cup. Chưa bao giờ bóng đá nữ VN gần giấc mơ World Cup như vậy, nên thất bại này thật khó nuốt trôi.

Bóng đá nữ vốn ít được quan tâm, nên tất cả đều hy vọng tấm vé World Cup sẽ giúp các tuyển thủ nghèo đổi đời. Thế nhưng, giấc mơ đó đã không thực hiện được và tất cả lại về quê, tiếp tục với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn của mình.

World Cup, nữ tuyển thủ

Gia cảnh đặc biệt của tuyển thủ Nguyễn Thị Hòa

Hầu hết các tuyển thủ nữ đều có gia cảnh đặc biệt, nhưng với Nguyễn Thị Liễu thì chính các đồng đội của cô cũng phải rơi nước mắt. Căn nhà nhỏ của Liễu ở Lý Nhân, Hà Nam, xa heo hút, xe ô tô không vào được mà phải đi bộ mấy km. “Dẫu biết từ trước đa phần các tuyển thủ nữ gia đình đều khó khăn nhưng chúng tôi không thể ngờ nhà con bé ấy nghèo đến vậy. Nhà cửa không đồ đạc gì thực sự đáng giá, chúng tôi không cầm được nước mắt”, Liễu mất bố từ nhỏ, nên mẹ chính là người chịu bao vất vả nuôi em lên người. Chưa báo hiếu với mẹ vì tập luyện, thi đấu liên miên, Liễu đã nhận tin sét đánh đúng ngày cô chuẩn bị ra nước ngoài thi tập huấn.

Lãnh đạo VFF gặp Liễu bảo cô cứ yên tâm ở nhà chịu tang mẹ theo đúng đạo làm con. Tuy nhiên, cô gái trẻ đầy nghị lực chỉ xin 3 ngày ở nhà chịu tang mẹ rồi hội quân với các đồng đội

Trở về sau khi để hụt vé World Cup vào tay người Thái, Liễu sẽ dùng số tiền thưởng ít ỏi và vay mượn thêm bạn bè để mở một hiệu tóc, kiếm thêm đồng ra đồng vào trong lúc nghỉ đá bóng.

Nếu như Nguyễn Thị Liễu mất cả bố lẫn mẹ, thì với Nguyễn Thị Hoà lại đang gánh nặng trên vai cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn. Gia cảnh Hòa khó khăn chồng chất khi mẹ cô bị tai nạn và phải cắt bỏ hai chân. Bố Hòa, ông Nguyễn Tiến Phượng là thương binh 4/4, bị mất sức lao động, giờ đây ông vẫn đang chiến đấu với chứng bệnh teo cơ chân, đau đầu kinh niên do di chứng của chiến tranh. Người anh sửa chữa điện tử nhưng cũng chẳng đủ ăn, kinh tế gia đình trông chờ cả vào đồng lương ít ỏi của Hoà.

World Cup, nữ tuyển thủ

Tuyết Dung mỗi khi về nhà lại ra đồng phụ bố mẹ

Nguyễn Thị Muôn mới về đến nhà là ra đồng cấy lúa, cuốc đất phụ bố mẹ. Hôm đá với Thái Lan, Muôn biết bố mẹ kỳ vọng rất nhiều vào mình, nên cô cảm thấy thật có lỗi. Được chia chút tiền thưởng, nhưng đó cũng là cả một gia tài với gia đình Muôn. Từ trước tới nay, mỗi khi có tiền thưởng hay lương, Muôn đều mang về cho mẹ. Muôn muốn giúp mẹ sửa lại căn nhà 3 gian đã quá cũ. Đồng đội của Muôn là Tuyết Dung cũng quá quen với công việc đồng áng mỗi khi về quê. Tuyết Dung chính là cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất cho đội tuyển nữ VN trong cuộc đọ sức với Thái Lan ở Asian Cup.

Tiền đạo Minh Nguyệt lại có một giấc mơ rất giản dị: “Bố tôi mất cách đây vài năm, giờ mẹ chỉ còn có tôi và anh trai là người thân. Sau bao năm xa nhà, hiện tại tôi chỉ muốn về dạy ở trường làng, sớm hôm gần mẹ”,

Những nữ tuyển thủ không được lót tay tiền tỷ, lương tháng vài chục triệu như các cầu thủ nam, nhưng đam mê với quả bóng tròn đã giúp họ đá bay mọi mặc cảm và vượt qua khó khăn. Họ luôn thể hiện sự quyết tâm, cháy hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Nhưng ít ai biết đằng sau những đôi chân đá bóng, nỗ lực tuyệt vời ấy, là những câu chuyện đầy cảm động về cảnh đời của những cô gái đã phải hy sinh rất nhiều để theo đuổi đam mê, làm nhiệm vụ cho quốc gia.

Giờ đây, khi cánh cửa World Cup đã chính thức khép lại, nhiều người lo lắng bóng đá nữ sẽ không được quan tâm như trước. Bóng đá nữ có được đầu tư lớn hay không là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, những nữ tuyển thủ lại trở về với căn nhà nghèo, mảnh ruộng cằn khô quen thuộc của mình…

Theo Song Ngư (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm