Người Sài Gòn và bóng đá Sài Gòn

Sài Gòn FC trận nào ra sân cũng có banderole “Sài Gòn FC là tài sản của người hâm mộ TP”, có đội ngũ chân dài “nhảy múa”… Gần đây hơn thì có cả các ca sĩ làm “nóng” thêm không khí với những bài hát sôi động giữa hai hiệp đấu. Tuy nhiên, nhìn vào đội bóng đấy thì ngoài ban huấn luyện là người Sài Gòn thì chẳng có ai trưởng thành từ cái nôi của bóng đá Sài Gòn cả. Đơn giản vì đấy là đội bóng có tiền thân là V&V Hà Nội bán suất cho ông chủ ở Ninh Bình rồi sau ba lần đổi tên thì thành Sài Gòn FC. Gần đây ông chủ của đội bóng này còn tuyên bố rằng sẵn sàng đổi tên lần nữa và mang đội bóng ra Ninh Bình. Vì thế cũng không lạ khi đội làm khách ở Ninh Bình thì cổ động viên đất Hoa Lư trịnh trọng treo banderole: “Sài Gòn FC là của Ninh Bình”.

Trong khi đó thì B. Bình Dương dù là đội khách nhưng lại rất thân quen với người hâm mộ Sài Gòn. Đội bóng có HLV Đặng Trần Chỉnh vốn từng là biểu tượng của bóng đá Sài Gòn xuất thân từ lứa năng khiếu đầu tiên; đội bóng có những thế hệ cầu thủ trưởng thành từ cái nôi của bóng đá Sài Gòn như Nguyễn Hữu Thắng (con trai của cựu danh thủ Nguyễn Văn Thòn); đội bóng có những Quang Thanh, Anh Đức, Công Minh… đều là tuyển thủ quốc gia và đều từ lò năng khiếu TP.HCM đi lên chọn Bình Dương làm “đất lành”.

Có lần tôi nghe chính những con người đang đại diện cho bóng đá Bình Dương ấy than thở rằng họ muốn về với bóng đá Sài Gòn, về với cái nơi mình trưởng thành và có những người thân đang sinh sống ở đấy lắm nhưng đường về sao khó quá; họ nói mình cần một vùng trời bình yên để cống hiến và chung vui với người hâm mộ Sài Gòn nhưng đã bao lần muốn về rồi lại thấy tương lai tối quá…

Hóa ra ánh đèn sang sáng ở sân Thống Nhất mỗi cuối tuần lại không phải là ánh sáng để nhiều người con của bóng đá TP.HCM hội tụ về khi mà họ cứ phải bận tâm suy nghĩ và lo cho sự chông chênh trong quyết định của đời cầu thủ.

Những người con của bóng đá Sài Gòn lập nghiệp ở xa mỗi lần về lại cái sân Thống Nhất cũng có những nỗi niềm khó tả. Như Huỳnh Đức từng tâm sự rằng có những lúc anh đỏ mắt khi ngồi ở khu kỹ thuật đội khách và nghe người hâm mộ Sài Gòn trìu mến nhắc đến tên mình.

Lại nhớ đến cái tình và tấm lòng của người hâm mộ Sài Gòn với những cái tên một thời. Như bác Ba Hiền khi nhắm mắt chỉ để lại lời nhắn với các con: “Hãy chôn cha với chiếc áo của Cảng Sài Gòn mà cả đời cha đã theo và ủng hộ màu áo ấy”. Và ngày liệm ông, chính Đặng Trần Chỉnh đã gửi chiếc áo số 10 có chữ Cảng Sài Gòn của mình vào áo quan cùng quả bóng có chữ ký toàn đội…

Nghịch lý của bóng đá Sài Gòn là có những ký ức gắn với cái tên không thể quên được thì đã mất (như đã mất cái tên Cảng Sài Gòn) và có những đội bóng mang tên Sài Gòn thì lại là cái tên mượn gắn vào tài sản của một người ở Ninh Bình.

Sân Thống Nhất chiều nay sáng đèn nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều khoảng tối…

Người Sài Gòn và bóng đá Sài Gòn ảnh 1

22 năm trước, khi Cảng Sài Gòn vào giải vô địch quốc gia năm 1990, HLV Tam Lang, Lư Đình Tuấn, Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại (từ trái qua) luôn tạo ra một đội Cảng Sài Gòn hào hoa đi vào lòng người hâm mộ. 22 năm sau thì Lư Đình Tuấn và Đặng Trần Chỉnh ở hai chiến tuyến trong một trận đấu mà người Sài Gòn lại ở thành phần B. Bình Dương nhiều hơn.

Góc của NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm