Hội chứng bàn thắng phút cuối

Các cây viết thể thao gọi đấy là hội chứng Payet vì từ đêm khai mạc đến nay các cổ động viên luôn bừng tỉnh rồi vỡ òa vào những phút cuối bởi những bàn thắng quyết định đến vào phút chót. Thậm chí có bàn còn diễn ra ở phút 90+6 và đều là những bàn mang tính quyết định.

Nếu người Pháp từng hai lần vỡ òa cảm xúc với những khoảnh khắc vào phút cuối trận khai mạc gặp Romania (rồi sau đó lại đến phút cuối trận thắng Albania) thì người Anh, người Đức, người Ý, Tây Ban Nha, Czech… cũng có những cảm xúc tương tự. Ngay cả các bình luận viên của đài truyền hình cũng thú thật là họ liên tục phải sửa kịch bản vì những bàn thắng thót tim đấy.

Gần nhất là trận đấu giàu cảm xúc giữa Croatia và Czech khi Croatia đã nghĩ xa hơn cho một trận thắng 2-0 và có thể là hơn nữa trước Czech. Họ bình thản rút trụ cột Luka Modric ra sân để dưỡng sức và “thả gà con” vào để thử lửa. Lập tức Czech vùng dậy như phép tiên và lần lượt đưa người xem trải qua những cung bậc cảm xúc thót tim bởi kịch tính lên cao trào. Đầu tiên là bàn gỡ 1-2 rồi đến phút 90+5 thì một quả 11 m xảy đến và Necid đã lạnh lùng trên chấm 11 m đưa trận đấu về kết quả hòa 2-2 trong sự nuối tiếc của đối thủ và niềm vui vô bờ của Czech.

Thống kê thú vị về các bàn thắng xảy ra ở những phút cuối. Ảnh: EUROSPORT

Đấy cũng là hình ảnh mà các cầu thủ Anh như từ địa ngục lên thiên đàng khi bị xứ Wales dẫn trước 1-0 rồi lần lượt lấy lại 1-1 và thắng ngược 2-1 cũng ở những phút cuối. Người xem không thể quên được hình ảnh đội trưởng Rooney đã phấn khích nhét hết cả khuôn mặt mình kín ống kính truyền hình và la hét mừng bàn thắng đưa họ từ cõi chết trở về.

Những phút định mệnh đấy Tây Ban Nha từng làm Czech thất thần khi Iniesta chuyền một quả bóng rất quái cho trung vệ Pique của Tây Ban Nha băng lên ghi bàn. Tương tự là Payet có đến hai lần ghi bàn ở những phút cuối cùng với đồng đội Griezmann giúp cho chủ nhà Pháp nhảy múa ở hai vòng đấu vừa qua.

Nhưng nếu chỉ đưa cảm xúc dạt dào đấy vào những thống kê mà không lý giải bằng chuyên môn thì sẽ khó thuyết phục người hâm mộ. Rằng tại sao tại Euro này hầu như khán giả không ai đứng dậy rời ghế ở những phút cuối mà luôn dán chặt mắt vào trận đấu đặc biệt ở những giây cuối thường xuyên xảy ra các bàn thắng làm đảo lộn cục diện.

Theo một thống kê từ các bộ phận chuyên môn thì những phút cuối trận chính là lúc các cầu thủ thiếu sự tập trung và có chút chểnh mảng. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi thể lực bị bào mòn mà đến cuối trận thì không ít cầu thủ không còn giữ được nhịp độ lẫn sự tập trung cần thiết. Và đấy cũng là khoảnh khắc mà các đội bóng có sự chuẩn bị tốt, có bản lĩnh và có những cầu thủ giàu kinh nghiệm khai thác tốt qua những miếng đánh quyết định xen lẫn chút táo bạo trong chiến thuật.

Hãy xem cái cách mà đội Ý xé lưới Thụy Điển khi Eder ghi bàn ở phút 88. Một Eder nhỏ bé nhận bóng trước ba hậu vệ to cao của Thụy Điển và cầu thủ này đã dũng mãnh xông vào hàng phòng ngự kiên cố đấy. Cú đi bóng dũng mãnh chéo vào khu trung lộ như tốc độ của chiếc Ferrari làm ba chiếc áo vàng cuốn theo và giẫm chân nhau. Để rồi sau đó là cú cứa lòng ngoạn mục đưa quả bóng đi vòng cung vào góc xa trước cú bay người bất lực của thủ môn. Ý đã vào vòng knock out nhờ khoảnh khắc đó. Điều mà trước đó trong trận gặp Bỉ thì Pelle của Ý cũng tung đòn sát thủ ở phút 90+2 hạ gục những nỗ lực của người Bỉ.

Một Euro rất lạ, nhiều cảm xúc cho đến khi trọng tài cất tiếng còi chung cuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm