Euro 1968 - Euro của những lần đầu tiên

Lần đầu tiên ban tổ chức quyết định áp dụng thể thức đá vòng loại theo từng bảng cho 31 đội tham dự giải. Đây cũng là lần đầu tiên Ý, Anh và Đức, những đội sau này là ông lớn của bóng đá thế giới góp mặt.

Đây cũng là kỳ Euro duy nhất có hai trận chung kết. Đội tuyển chủ nhà Ý phải đợi đến trận đấu lại mới vượt qua được Nam Tư để giành chức vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử của mình.

Ý lên ngôi vô địch Euro 1968.

Giải đấu năm 1968 cũng là lần đầu tiên UEFA áp dụng thể thức chia bảng và thi đấu vòng tròn hai lượt (lượt đi và lượt về) tính điểm. Thể thức này cũng tương tự như vòng loại Euro tổ chức hiện nay.

So với các giải đấu trước, vòng loại kỳ Euro lần này có thay đổi khi lần đầu tiên áp dụng thể thức các đội được chia bảng, đấu vòng tròn tính điểm. Lần đầu tiên Euro 1968 có số lượng đội bóng tham dự vòng loại lên đến 31 đội, con số kỷ lục so với hai lần tổ chức trước. 31 đội tuyển được chia làm tám bảng, trong đó riêng bảng 4 chỉ có ba đội. Các đội lần lượt gặp nhau hai trận, mỗi chiến thắng được tính 2 điểm, hòa 1 điểm và thua 0 điểm. Chỉ tám đội đứng đầu mỗi bảng được vào tứ kết, nơi cũng diễn ra hai lượt đi và về để chọn ra bốn đội cuối cùng lên đường tới Ý tham dự vòng chung kết.

Bất ngờ lớn nhất tại vòng bảng là sự sụp đổ của Đan Mạch và á quân World Cup 1966 Tây Đức. Đội hạng tư Euro 1964 đã kết thúc cuộc hành trình tại nhóm đấu của mình bằng vị trí dưới cùng, trong khi người Đức chấp nhận để Nam Tư vượt qua tại bảng đấu duy nhất chỉ có ba đội.

Vòng tứ kết Euro 1968 với thể thức loại trực tiếp chứng kiến sự cân bằng giữa các đại diện của hai nền bóng đá Đông Âu và Tây Âu khi có bốn đội bóng đại diện cho mỗi nền bóng đá xuất hiện ở vòng đấu này. Tại cuộc so tài đáng chú ý nhất, ĐKVĐ thế giới Anh với sự xuất sắc của Bobby Charlton đã không mấy vất vả đánh bại ĐKVĐ châu Âu Tây Ban Nha sau hai lượt trận với tổng tỉ số 3-1.

Ngược lại, Ý và Liên Xô đều thua trận lượt đi nhưng đã nắm tay nhau lội ngược dòng thành công khi được chơi trên sân nhà trước Bulgaria và Hungary. Ở cặp đấu còn lại, Nam Tư gây bất ngờ lớn khi vùi dập Pháp với tỉ số 6-2. Musemic trở thành người hùng của đội bóng khi ghi ba bàn thắng trong cả hai lượt trận đưa Nam Tư vào vòng chung kết.

Bốn đội giành chiến thắng ở vòng tứ kết là Anh, Ý, Liên Xô và Nam Tư nắm tay nhau vào vòng chung kết được tổ chức tại Ý. Địa điểm thi đấu gồm ba sân vận động lớn là Stadio Olimpico (Roma, sân nhà của hai CLB AS Roma và SS Lazio), Stadio San Paolo (Naples, sân nhà của Napoli) và Stadio Comunale (Florence, hiện tại đổi tên thành Stadio Artemi Franchi, sân nhà của Fiorentina).

Ở bán kết, đội chủ nhà Ý đối đầu với Liên Xô với tỉ số hòa trong 120 phút. Cuối cùng hai đội phải phân định thắng thua bằng cách tung đồng xu và Ý là đội giành chiến thắng sau trò chơi đầy may rủi đó. Nam Tư đã tiếp tục gây nên bất ngờ lớn khi đánh bại ĐKVĐ thế giới Anh với bàn thắng duy nhất của Dragan Džajić khi Anh chỉ còn thi đấu với 10 người.

Ở trận tranh hạng ba diễn ra sau đó, đội tuyển Anh đã đánh bại Liên Xô với tỉ số 2-0 nhờ hai bàn thắng của hai huyền thoại Bobby Charlton và Geoff Hurst.

Trận chung kết tiếp tục chứng kiến đội chủ nhà lép vế trước một đội bóng khác đến từ Đông Âu. Phút 38, chân sút lừng danh một thời Dragan Džajić đã làm cả sân vận động Olimpico phải lặng câm với bàn thắng mở tỉ số cho Nam Tư. Nhưng may mắn sao, ở phút 80 Angelo Domenghini đã giúp Ý cân bằng tỉ số để dẫn đến trận đá lại vào hai ngày sau đó. Ở trận đá lại, đội chủ nhà Ý thắng 2-0 và chính thức trở thành tân vương của Euro 1968.

Euro 1968 là một trong những kỳ Euro đi vào lịch sử, khi nó chứng kiến nhiều thay đổi lớn của bóng đá châu Âu. Sau thành công của Tây Ban Nha năm 1964 và Ý năm 1968, bóng đá Tây Âu dần chiếm ưu thế so với bóng đá Đông Âu. Riêng Ý, giải đấu năm 1968 sẽ là một dấu ấn không thể nào quên.

 

Tổng kết EURO 1968

Số đội tham dự: 31

Xếp hạng:
Vô địch: Ý.
Hạng hai: Nam Tư.
Hạng ba: Anh.
Hạng tư: Liên Xô.
Sân vận động: Stadio Olimpico (trận chung kết, trận tranh ba tư), Stadio San Paolo (trận bán kết Ý - Liên Xô), Stadio Comunale (trận bán kết Anh - Nam Tư).
Số bàn thắng: 7 (trung bình 1,4 bàn/trận).
Số lượng khán giả đến sân: 299.233 người (trung bình 59.847 người/trận).
Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất: Dragan Džajić (Nam Tư, hai bàn).
Cầu thủ xuất sắc nhất giải: Dragan Džajić (Nam Tư).
Bàn thắng được ghi nhanh nhất: 12 phút, Luigi Riva (trận chung kết đá lại giữa Ý - Nam Tư).
Đội hình tiêu biểu: Dino Zoff (Ý); Mirsad Fazlagić (Nam Tư), Giacinto Facchetti (Ý), Albert Schesternev (Liên Xô), Bobby Moore (Anh); Ivica Osim (Nam Tư), Sandro Mazzola (Ý), Angelo Domenghini (Ý); Geoff Hurst (Anh), Luigi Riva (Ý), Dragan Džajić (Nam Tư).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm