Đối thủ của U-23 Việt Nam, U-23 Syria gian lận tuổi?

Báo Úc The Sydney Morning Herald vừa phanh phui vụ các cầu thủ U-23 Syria, đối thủ cuối cùng ở vòng bảng, bảng D của Việt Nam có dấu hiệu gian lận tuổi. Nếu LĐBĐ châu Á (AFC) điều tra ra thì U-23 Syria sẽ bị loại khỏi giải, tước danh hiệu (nếu có) và sau đó chịu tiếp các án phạt cực nặng của AFC và FIFA.

Không chỉ AFC mà Cao ủy Tỵ nạn LHQ cũng không giải mã được vì sao người Syria hầu hết sinh vào ngày đầu năm mới.

Theo hãng tin Fairfax Media, họ đã phát hiện ra hàng loạt vấn đề không trung thực của U-23 Syria, hay nói cụ thể là nhiều cầu thủ đã được “cắt tuổi” để đăng ký hợp lệ tại VCK U-23 châu Á đang diễn ra tại Trung Quốc.

Cây bút Dominic Bossi của The Sydney Morning Herald viết: “AFC đang bảo vệ cho sự gian dối của U-23 Syria khi hàng loạt cầu thủ gian lận tuổi để phù hợp với tuổi mà AFC quy định tại giải trẻ châu Á này”.

Một đất nước hoang tàn trong chiến tranh, ai xác định tuổi thật của cầu thủ Syria nếu nhà nước không giúp đỡ?

Ở đây, trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng bài báo không có tính âm mưu hay cay cú bởi ngay sau khi Úc đánh bại Syria 3-1 ở lượt trận đầu bảng D thì thông tin này được lộ ra.

Fairfax Medianói có ít nhất hai cầu thủ của U-23 Syria đã bị "cắt tuổi xuống” trong danh sách đội hình xuất phát của U-23 Syria trận thua Úc.

U-23 Syria (đỏ) trong trận hòa U-23 Hàn Quốc 0-0 chiều 14-1.

Theo quy định của AFC tại VCK U-23 châu Á, những cầu thủ hợp lệ về mặt tuổi tác phải sinh từ ngày 1-1-1995 trở về sau. Theo như Fairfax Media thì có hai tiền đạo Shadi Al Hamwi và Mohammad Rafat Muhtadi đăng ký ngày sinh là 1-1-1995, vừa đủ tuổi tham dự giải. Ngoài ra còn có hai cầu thủ khác cũng có ngày sinh nhật đúng vào ngày 1-1 nhưng một cầu thủ sinh năm 1996 là Moumen Naji và một cầu thủ sinh năm 1997 là Farnes Arnaout.

Nói về thông tin của Fairfax Media, người phát ngôn AFC tỏ ra chia sẻ và cho biết đó có sự bất thường khi nhiều cầu thủ Syria có cùng ngày sinh nhật. Tuy nhiên, AFC cũng cho rằng để xác định cầu thủ Syria có gian lận hay không thì vô cùng khó khăn vì nó liên quan đến các hồ sơ tư pháp, yếu tố nhà nước, quá trình xác minh tốn rất nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi phải có sự giúp sức của LĐBĐ Syria, các cơ quan tư pháp nói riêng và nhà nước Syria nói chung can thiệp một cách nhiệt tình.

Người phát ngôn của AFC cũng hứa với Fairfax Media là trước mắt xác minh các cầu thủ trẻ này ở các tuyến dưới như U-16, U-17, U-19 châu Á như thế nào rồi tiếp tục. Đây là một vấn đề lớn chứ không phải nhỏ và một sớm một chiều được.

Người phát ngôn của AFC cũng cho biết họ đã mở địa chỉ email để tiếp nhận các chứng cứ liên quan đến tuổi tác của U-23 Syria.

Điều lạ thường không chỉ có bốn cầu thủ U-23 Syria có cùng ngày sinh 1-1, trong đó có hai tiền đạo sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm 1-1-1995, mà hầu hết các cầu thủ U-23 Syria sinh vào tháng 1 chiếm đại đa số danh sách này.

Cũng theo Fairfax Media thì Cao ủy Tỵ nạn LHQ cũng cho biết rằng khi tiếp cận các danh sách người Syria tỵ nạn không hiểu vì sao cũng toàn là sinh ngày 1-1. Theo đánh giá của cao ủy này thì họ cũng… bó tay trong việc xác định ngày sinh thật của người Syria vì đất nước này tràn ngập trong chiến tranh, các em bé vùng quê lớn lên đến tuổi đi học mới được làm giấy tờ…

Một cựu quan chức LĐBĐ Úc từng là thành viên trong ban tổ chức giải trẻ châu Á chia sẻ, ông cùng nhân viên trong ban của ông thuộc AFC đã nhiều lần đau đầu về các cầu thủ trẻ Syria. Không chỉ Syria mà các nước khu vực Tây Á, Trung Đông rất nhiều trường hợp khó xác định hồ sơ về tuổi thật của cầu thủ.

Ông John Boulbeem - cựu trưởng đoàn các đội tuyển Úc trước đây dẫn quân đi thi đấu cũng từng đối mặt với vấn đề này. Ông nói năm 2012, U-19 Úc từng gặp U-19 Syria có cả thảy sáu cầu thủ sinh ngày 1-1-1993.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm