Đi làm kinh tế…

Từng có giai thoại về nguyên Chánh thanh tra Tô Hiền tổng kết mùa bóng 1994 từng hỏi: “Ai sạch giơ tay lên?” thì các lãnh đội đều ngồi im thin thít. Cho nên chuyện “đi làm kinh tế” không chỉ là việc riêng của SL Nghệ An mà lây lan như một vệt dầu loang, như lời tự đắc của cựu Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp Sáu Thành: “Tiền đạo không bằng tiền mặt”.

Từ khi vụ cầu thủ bán độ ở SEA Games 2005 và hàng loạt trọng tài, quan chức phải hầu tòa, không ai dám đi làm kinh tế và tuyên bố công khai tưng tửng nữa. Cũng không ai dám khẳng định các đội bóng không đi làm kinh tế theo kiểu của mình.

Tương tự, Đồng Tháp suốt giai đoạn một luôn nằm trong tốp ba đội dẫn đầu bảng nhờ sự chắt chiu và tinh thần chiến đấu quả cảm của cầu thủ. 13 trận lượt đi, họ thắng bảy trận, hòa ba, chỉ thua hai ở sân khách. Các đội đầu bảng cỡ SL Nghệ An, Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng đều bị Đồng Tháp ba lần chọc thủng lưới.

Thế nhưng khi đã đầy túi điểm và biết chắc trụ hạng, Đồng Tháp mong manh dễ vỡ như chưa từng là niềm kiêu hãnh trong làng bóng. Tình thế ngược lại ở lượt về sau 11 trận, họ thua bảy trận, chỉ thắng hai và hòa hai. Thầy trò Phạm Công Lộc vừa là hiện tượng (giai đoạn một) lại vừa là túi đựng bóng và là ngân hàng điểm (giai đoạn hai). Họ lập kỷ lục với thái độ sẵn sàng thua xấu hổ SL Nghệ An 2-6 và phá kỷ lục thua 1-7 trên sân của Hà Nội T&T. Đỉnh điểm cho cái sự đứt dây thần kinh mắc cỡ của cầu thủ Đồng Tháp là trận thua dễ dãi đội chống rớt hạng K. Khánh Hòa 1-4.

Hiện tượng của những ngân hàng điểm khiến người hâm mộ có quyền nghi ngờ đến động cơ “đi làm kinh tế” mà bóng đá thời bao cấp cứ nhan nhản và dễ dàng như mua rau ngoài chợ.

Thế nên chuyên gia Nguyễn Văn Vinh mới thắc mắc: “Hãy chỉ cho tôi biết điểm khác biệt của giải chuyên nghiệp năm đầu tiên và lần thứ 11?”.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm