Công Phượng và chuyện tuổi thật, tuổi giả

 Công Phượng. Ảnh:INTERNET

Chuyện này còn trở nên nóng hơn khi bầu Đức mời nhiều cơ quan báo chí ra tận quê Công Phượng ở Nghệ An để xác minh rồi bảo rằng “đúng”, “chính xác” tuổi của Công Phượng là…sinh năm 1995.

Thực tế đây là một kết luận thiếu thực tiễn và bầu Đức cũng không cần làm những chuyện rỗi hơi này. Cuối cùng bầu Đức nổi nóng, đăng đàn nhiều quá thì báo chí muốn làm cho ra… nhẽ để đi đến tận cùng của vấn đề là bên nào đúng bên nào sai.

Theo quan điểm của chúng tôi Công Phượng không có tội mà bố mẹ của Công Phượng cũng không có tội (nếu khai ngày, tháng, năm sinh của em không chính xác). Việc tuổi của Công Phượng theo giấy tờ hiện nay là không chính xác cũng không bắt nguồn từ căn bệnh thành tích trong thể thao của địa phương Phượng ở. Vì trước đây có lần Phượng thi tuyển vào lò Sông Lam Nghệ An, nhưng cơ thể còi cọc, nhỏ bé nên Phượng bị loại. Từ đó em cũng chẳng có cơ hội khoác áo “tuyển xã”, “tuyển trường” hay tuyển các lứa U của Sông Lam Nghệ An để rồi khai man thấp tuổi xuống để “cải lão hoàn đồng” tham dự các giải nhỏ tuổi hơn.

Chính vì thế từ lúc Phượng sinh ra cho đến khi được tuyển chọn vào học viện HA Gia Lai Arsenal JMG, Phượng không được gọi vào bất kỳ đội “U” nào của Nghệ An nên không thể nói rằng em bị đổi tuổi đi để rồi hợp với tuổi đội “U”. Chẳng hạn như Công Phượng đã 15 tuổi nên phải giảm xuống hai tuổi để được khoác áo U-13 chẳng hạn, điều này là hoàn toàn không có. Nên chúng ta phải gạt bỏ yếu tố Công Phượng gian lận tuổi vì căn bệnh thành tích trong thể thao của địa phương.

Chuyện đi xác định tuổi thật của Công Phượng chỉ thành công khi có sự tham gia của cơ quan công an điều tra, tổ bác sĩ đở đẻ cho mẹ Công Phượng và cả những bà mẹ nằm chung phòng khi mẹ Phượng sinh Phượng ra ở bệnh viện hay trạm xá. Còn nếu như Phượng được sinh ở nhà thì phải có những cuộc điều tra qua hàng xóm để ghi nhận lời khai của họ cùng nhiều biện pháp khác,... Chuyện bầu Đức mời cơ quan báo chí ra Nghệ An để xác định tuổi thật nói đúng ra là việc làm thiếu thực tế, không thể và chẳng bao giờ giải quyết được câu trả lời chính xác Phượng sinh năm nào.

Có một thực tế mà nếu ai từng sinh ra, lớn lên ở vùng quê trước đây thì sẽ biết là đứa trẻ được sinh ra ở trạm xá xã, thậm chí sinh ở nhà (trường hợp này rất nhiều vì nghèo không có tiền đến bệnh viện thậm chí là trạm xá xã) để đỡ tốn tiền. Nếu nhà có chút ít tiền thì mời một cô y tá đến đỡ đẻ, cắt nhau, cắt rốn…là xong. Còn nghèo hơn thì thậm chí chồng, mẹ ruột đỡ đẻ con con gái.

Đứa trẻ được sinh ra không hề được làm khai sinh, cứ “thả” ở nhà cho đến khi lớn. Rất nhiều trường hợp, có thể là tỷ lệ là 8/10 đứa trẻ sinh ra không hề được làm giấy khai sinh khi đến tuổi đi học hoặc quá tuổi đi học. Không hiếm trường hợp khi con mình đã qua tuổi nhập học đến vài năm (lúc đó khoảng 9 hoặc 10 tuổi) ba mẹ mới sực nhớ và đi làm giấy khai sinh cho con để được nhập học. Đến lúc này cha mẹ mới chạy đến phòng hộ tịch xã làm khai sinh. Lúc đó, thường thì cán bộ hộ tịch xã thông cảm xử lý bằng cái tình: Lấy thời điểm nhập học trừ ra sáu năm thành ra năm sinh ghi vào khai sinh, còn tháng và ngày thì cứ…điền đại. Trong khi đó tuổi sinh học (tức đúng tuổi nhập học) thì hoàn toàn không chính xác vì những yếu khách quan như đã nêu trên.

Chuyện của Phượng có thể rơi vào những hoàn cảnh trên nên phượng không phải là tội đồ, không phải “sản phẩm” của bệnh thành tích trong thể thao. Phượng chỉ là nạn nhân của một thực tế rất phổ biến của trẻ em làng quê Việt Nam trước đây và thậm chí bây giờ. Việc làm khai sinh là để đủ giấy giờ nhập học, tuổi tác thật thì rất ít trường hợp chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm