Chuyện HLV Petrovic, Omar và cầu thủ V-League

Dẫn dắt FLC Thanh Hóa qua hai trận toàn thắng, nắm ngôi nhất bảng tổng sắp nhưng không phải vì thế mà HLV Petrovic che đậy những thói xấu của cầu thủ V-League (cả nội lẫn ngoại) mà ông đã lên tiếng chỉ trích, kể cả các học trò. Chuyện không mới nhưng vấn đề là CLB và ban tổ chức nhìn nhận thế nào mà thôi.

Hành động xấu khiến Omar bị thẻ đỏ, sau đó Omar lại có hành động xấu tiếp với khán giả sân Nha Trang và bị chính HLV Petrovic... tẩn.

Đại khái cầu thủ đá V-League thiếu tính chuyên nghiệp, phản ứng kệch cỡm, mất bình tĩnh, manh động, đánh lộn, chơi bạo lực…

Các HLV ngoại đến Việt Nam dẫn dắt từ cấp đội tuyển đến CLB đều chỉ ra những hạn chế cố hữu của cầu thủ V-League rồi. Hơn chục năm về trước, HLV Patricio của ĐT Long An từng chỉ trích là ma mắng học trò hết cỡ khi bị vây áp quá nhiều thì họ chỉ biết phá bóng lên, đá ra ngoài thay vì tổ chức cầm bóng.

Hình ảnh xấu xí ở V-League mùa nào cũng có (ảnh minh họa).

Đó là lối đá thiếu bản lĩnh, mất bình tĩnh, thiếu chuyên nghiệp và thiếu thông minh… HLV Miura thì chê cầu thủ Việt Nam yếu, chỉ chạy được 60 phút. Đá trên sân thì hay đi bộ, tinh thần chiến đấu không cao, không biết tham gia phòng ngự và tổ chức phòng ngự… Đến nay, HLV Petrovic của FLC Thanh Hóa thì lại chỉ trích những điều không mới đó.

Có điều HLV Petrovic rất thẳng tính là dù đội toàn thắng hai trận, ông đã không “ém” cái dở của đội mình mà lên tiếng thẳng thắn… Quan điểm này rất trái ngược với hầu hết những nhà làm bóng đá Việt Nam - tội gì phơi bày, tội gì kỷ luật cầu thủ mình làm cho đội mình thiệt thân…

HLV Petrovic chỉ ra nhiều mặt hạn chế của cầu thủ V-League. Ảnh: Bongdaplus

Bóng đá Nhật với mùa chuyên nghiệp đầu tiên năm 1993, lúc đó cầu thủ ngoại, cầu thủ nội cũng thể hiện sự dở hơi như V-League hiện nay. Họ nhìn ra các cầu thủ ngoại rất manh động như kiểu Omar (FLC Thanh Hóa) qua hình ảnh trên sân Nha Trang cuối tuần rồi… Sau đó là lây lan những tính cách xấu trong thi đấu sang cầu thủ nội và như phản ứng dây chuyền, các cầu thủ học thói xấu rất nhanh.

Ngay sau đó là những chuyên gia kỳ cựu của bóng đá châu Âu sang chỉ bảo, trong đó có cả “giáo sư” Wenger. Rằng, CLB tìm cầu thủ ngoại thì phải là những cầu thủ giỏi chuyên môn, tư cách đạo đức trên sân và ngoài sân phải tốt để tấm gương tốt cho cầu thủ nội học hỏi. Bên cạnh đó thì việc chọn các giám đốc kỹ thuật, đào tạo trẻ, người Nhật cũng tập trung vào vấn đề đạo đức, chuyên  môn… Từ đó tạo những nền tảng chuẩn mực khác.

Không nói đâu xa, ở đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 vừa qua. Nhóm cầu thủ HA Gia Lai từ học viện ra có cách thi đấu, tinh thần và thái độ rất khác nhóm cầu thủ còn lại. Hãy nhìn những Văn Toàn, Văn Thanh, Xuân Trường, Công Phượng. Họ thi đấu với tinh thần chiến đấu hết mình nhưng thái độ thi đấu, thể hiện chuyên môn rất chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao.

Chuyện HLV Petrovic của FLC Thanh Hóa vừa qua chỉ trích cầu thủ nội, cầu thủ ngoại… Đó là những vấn đề nghiêm túc mà các CLB, các nhà quản trị bóng đá Việt Nam cần suy ngẫm và hành động thay vì bực tức do bị “điểm huyệt” đúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm