Chiếc khăn Hijad của cô gái Jordan

Điều đó lại càng nghiệt ngã hơn bởi Jordan là một quốc gia theo đạo Hồi chính thống, phụ nữ luôn bị hạn chế có mặt ở đám đông. Nếu nữ giới xuất hiện thì không để lộ mặt trần mà phải dưới cái khăn che truyền thống Hijad. Thế mà bây giờ họ còn được đá bóng với chiếc khăn Hijad đầy tranh cãi như một chướng ngại.

Vào chiều 14-5, tuyển nữ Việt Nam sẽ đối đầu với các cô gái Hồi giáo của Jordan khi họ thi đấu phải bịt chiếc khăn Hijad (ảnh). Chỉ đơn giản là một chiếc khăn nhưng nó có một lịch sử đầy tranh cãi để ngày nay các cô gái Hồi giáo khoác lên cùng ra sân thi thố tài năng sân cỏ.

 
Ảnh: XUÂN HUY

Ba năm trước, thế giới Hồi giáo phẫn nộ vì phụ nữ Hồi giáo được FIFA chiếu cố cho đá bóng. FIFA lại còn bị chỉ trích nặng nề hơn khi họ yêu cầu những nhà sản xuất trang thiết bị thể thao nổi tiếng như Adidas và Nike nghiêu cứu tìm ra chiếc khăn Hijad tiên tiến nhất cho chị em vừa tuân thủ đạo giới, vừa thuận tiện đá bóng. Việc kêu gọi này làm những tổ chức Hồi giáo cực đoan cảm thấy bị xúc phạm và phản đối kịch liệt.

Nguyên nhân là chiếc khăn Hijad truyền thống của phụ nữ đạo Hồi bằng vải mộc, rộng, bay phất phơ… mang vào đá bóng bị khuất tầm nhìn, dễ dẫn đến chấn thương nặng vùng cổ. Đấy là chưa kể phụ nữ Hồi giáo không thể không mang khăn trước đám đông (đá bóng là trước đám đông rồi).

Thế nhưng FIFA đã can thiệp vào những quốc gia Hồi giáo để làm mới chiếc khăn Hijad và thành công khi phong trào bình quyền nam nữ đang thắng thế.

Qua ba bốn lần thử nghiệm ở các giải đấu, chiếc khăn Hijad tiêu chuẩn… đá bóng ra đời. Nó giúp tuyển nữ Jordan đến với vòng chung kết châu Á thoải mái và chu đáo hơn cùng tham vọng tranh ngôi thứ ba với chủ nhà Việt Nam.

Sau một tháng học việc đội nữ Bayern Minich ở Jordan, đội có chuyến tập huấn tại Nhật và sau đó trở về nước thi đấu vô địch giải Tây Á. Thành công ban đầu của tuyển nữ Jordan gắn liền với chiếc khăn Hijad cải tiến như thế…

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm