Tranh luận về việc xin ‘đổi khai sinh’ sang tên Cảng Sài Gòn

Theo bóng đá lâu năm và đặc biệt là từng theo chân đội Cảng Sài Gòn cả trong những ngày khó khăn nhất mà đội bóng này đứng trước bờ vực xoá sổ vì đơn vị chủ quản Cảng Sài Gòn không kham nổi, tôi hiểu giá trị của một cái tên truyền thông không sang gả, không “mượn hồn” được. Cái thời mà có lúc hàng ngàn công nhân Cảng Sài Gòn phải trích quỹ lương để nuôi đội bóng tồn tại và cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã rơi nước mắt vì tấm lòng của người hâm mộ, của công nhân Cảng Sài Gòn làm mọi cách để giữ một cái tên truyền thống. 

Đội Cảng Sài Gòn luôn được người hâm mộ yêu mến. Ảnh: TƯ LIỆU

Cảng Sài Gòn không chỉ là tên của một đội bóng mà còn lưu lại những giá trị mang tính lịch sử. Còn nhớ năm 1976 trong trận đấu đầu tiên giữa hai miền Nam – Bắc sau ngày đất nước thống nhất giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường Sắt trên sân Cộng Hoà (nay là sân Thống Nhất), tại sao những nhà tổ chức lại chọn Cảng Sài Gòn mà không phải là Hải Quan hay đội nào khác? Sau này khi chia sẻ với tôi, những người có ý tưởng cho trận cầu đấy và những chứng nhân sống của trận đấu đấy như HLV Trần Duy Long hay trung vệ Tam Lang, tiền vệ Lê Thuỵ Hải… kể lại thì sở dĩ chọn Cảng Sài Gòn vì đấy là đội bóng tiêu biểu cho bóng đá Sài Gòn nói riêng và bóng đá miền Nam nói chung và đấy cũng là đội bóng đại diện cho các công nhân. Thủ môn Lưu Kim Hoàng (CSG) nói rằng khi được chỉ đạo thi đấu trận đó ai cũng có niềm tự hào nhưng cũng có chút lo lắng vì trách nhiệm không chỉ của riêng đội bóng mà của cả TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung. Tiền vệ Lê Thuỵ Hải thì kể lại ngày được thông báo đá với các anh Cảng Sài Gòn, ai cũng hồi hộp vì được đá với một đội bóng truyền thống, một cái tên hào hoa với những cầu thủ tiếng tăm của miền Nam.

Cũng cần nói thêm rằng đội Cảng Sài Gòn là đội bóng có lượng người hâm mộ nhiều nhất bóng đá Sài Gòn không hẳn vì những ngôi sao mà vì sự trân trọng giá trị truyền thống của một đội bóng luôn đi theo những tiêu chí riêng của mình và luôn tôn trọng khán giả. Bằng chứng là có cổ động viên trước khi nhắm mắt đã năn nỉ con trai mình: “Nếu bố nằm xuống, hãy chôn bố cùng chiếc áo Cảng Sài Gòn con nhé!”. Và ông bố đấy đã được toại nguyện khi nằm xuống. Con trai ông lúc khâm liệm cho cha đã mời được các cầu thủ Cảng Sài Gòn đến. Và các cầu thủ Cảng Sài Gòn khi ấy đã đích thân đặt chiếc áo Cảng Sài Gòn truyền thống cùng trái bóng có chữ ký các cầu thủ trong chiếc áo quan của ông.

Đội Cảng Sài Gòn qua nhiều giai đoạn vẫn giữ vững màuáo truyền thống.Ảnh: TƯ LIỆU

Cho đến khi Cảng Sài Gòn oằn mình không lo xuể đội bóng và phải kết hợp với Thép miền Nam để giữ và để tồn tại một đội bóng truyền thống thì nhiều người cảm thấy buồn bởi Cảng Sài Gòn phải mang thêm cái đầu Thép. Số lượng cổ động viên giảm dần nhưng trên khán đài thì cái tên Cảng Sài Gòn vẫn được hô vang…

Đến lúc đội bóng và cái tên đấy không còn nữa do cơ chế chuyên nghiệp và do cả sự tuột dốc của bóng đá TP.HCM kéo theo nhiều đội bóng giải tán thì cái tên Cảng Sài Gòn đã trở nên một biểu tượng để nhớ và một giá trị truyền thống đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam và bóng đá Sài Gòn.

Bây giờ khi một đội bóng trẻ xin đổi tên Cảng Sài Gòn và thi đấu tận Hưng Yên (sân nhà) ở giải hạng Nhì, lập tức gây nhiều tranh luận.

Cá nhân tôi cho rằng tranh luận và thậm chí chỉ trích là điều dễ hiểu bởi giá trị truyền thống của đội bóng Cảng Sài Gòn rất là thiêng liêng chứ không phải cái tên mà ai có con cũng “đặt” được.

Nguyên Tổng cục Trưởng TC TDTT Lê Bửu cùng đội trưởng Dương Văn Thà

Ông Tam Lang, một phần của đội Cảng Sài Gòn được nhà báo Hồ Nguyễn dìu ra sân Thống Nhất. Ảnh: XUÂN HUY

Đội Tổng cục Đường Sắt trước trận đầu tiên giữa hai miền Nam - Bắc sau ngày thống nhất đất nước trên sân Thống Nhất. Ảnh: TƯ LIỆU

Nếu cho rằng có cái tên Cảng Sài Gòn thì sẽ có được lượng cổ động viên như Cảng Sài Gòn vài chục năm trước thì thật là sai lầm. Cái tên Cảng Sài Gòn được yêu mến vì họ là đội bóng tiêu biểu và cách làm của họ mang tính tích luỹ những giá trị đẹp, giá trị thật của bóng đá Sài Gòn và mang cả cái hồn của người Sài Gòn vào sân bóng. Cứ nghe ông Lê Thuỵ Hải chia sẻ những ngày ông cùng Tổng cục Đường Sắt vào Sài Gòn đá với Cảng Sài Gòn: “Đá với Cảng Sài Gòn sướng lắm vì không chỉ thi đấu với các anh hào hoa, truyền thống, đá đẹp mà còn được các cổ động viên Sài Gòn yêu mến mình, yêu mến “đối thủ” nữa. Tôi không bao giờ quên được cảnh các cổ động viên Sài Gòn sờ chân, sờ đùi các cầu thủ miền Bắc và mang những đĩa trái cây, mang bịch nước mía ra mời anh em chúng tôi. Họ yêu đội bóng của họ và yêu cả đối thủ của Cảng Sài Gòn…”.

Thiết nghĩ bấy nhiêu (dù chỉ là những phần rất nhỏ về một cái tên truyền thống) đã phần nào nói lên được giá trị của một cái tên trong đó có cả những giá trị thiêng liêng nữa.

Một đội bóng trẻ mong có những giá trị truyền thống như Cảng Sài Gòn là điều rất tốt nhưng nếu lấy Cảng Sài Gòn làm một mục tiêu để phấn đấu thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Những ai yêu Cảng Sài Gòn và những ai hiểu về giá trị của Cảng Sài Gòn rất muốn có những phiên bản của Cảng Sài Gòn nhưng chắc chắn chẳng bao giờ muốn cái hồn, cái tên Cảng Sài Gòn đặt cho ai cả. Thậm chí họ còn sợ hư cái tên Cảng Sài Gòn truyền thống để yêu, để nhớ. Nói một cách mộc mạc như người Sài Gòn là cứ để cái tên Cảng Sài Gòn sống với chính nó cứ đừng bắt nó mang thân phận của ai đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm