Tổng hợp ngày thi đấu 11-6: 24 năm và một kỷ lục

Trên đường chạy tiếp sức, các cô gái Việt Nam đã xuất sắc vượt mặt đại kình địch đoạt chức vô địch, đồng thời xô ngã kỷ lục đã tồn tại từ năm 1991.

Cũng hai năm trước tại Myanmar, đội tiếp sức nữ Việt Nam đã không thể lật đổ được người Thái dù trước đó đã được đầu tư rất tốt bằng những chuyến tập huấn tại Mỹ. Hôm qua cũng vẫn bộ tứ ấy, Nguyễn Thị Oanh khơi mào cuộc lật đổ. Tiếp theo đó Nguyễn Thị Thúy cố gắng tiếp tục duy trì khoảng cách vài mét ở lượt chạy thứ hai. Tuy nhiên, đến lượt trao gậy thứ hai và ba, Quách Thị Lan và đặc biệt là kỷ lục gia 400 m rào SEA Games 28 - Nguyễn Thị Huyền đã không cho đối thủ cạnh tranh Thái Lan một cơ hội nào khi vượt lên dẫn hơn 10 m sau nửa vòng sân.

Với những bước chạy thần tốc, Nguyễn Thị Huyền đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ người “chốt sổ”, đưa thành tích đội tiếp sức 4 x 400 m nữ Việt Nam đạt 3’31”46 giành HCV, đồng thời xô ngã kỷ lục SEA Games 3’35”53 do Thái Lan lập từ năm 1991 tại Philippines.


Đội tiếp sức 4 x 400 m nữ mừng chức vô địch cùng kỷ lục SEAGames mới. Ảnh: QUANG THẮNG

Tại đích đến, Huyền không thể đứng nổi sau những nỗ lực vắt kiệt sức tạo nên điều kỳ diệu. Nguyễn Thị Oanh thì ôm mặt khóc nức nở trong niềm sung sướng tột độ. Cũng ở nội dung này của nam, bộ tứ Công Lịch - Xuân Cường - Văn Thao - Trọng Hinh giành HCĐ.

Ngoài chiến tích nội dung tiếp sức nữ, bộ đôi vàng tổ chạy cự ly trung bình Đỗ Thị Thảo - Dương Văn Thái cũng xuất sắc hoàn tất cú đúp vô địch cự ly 1.500 m nam, nữ. Thành tích của Thảo đạt 4’28”29 trong khi Dương Văn Thái đạt được thông số tốt nhất trong sự nghiệp của mình là 3’47”04. Cùng dự tranh 1.500 m nữ, Nguyễn Thị Phương đoạt HCB.

Trên đường chạy 10.000 m, Phạm Thị Huệ thành tích 35’02”70 đoạt HCB. Cự ly 100 m rào nữ, Trần Thị Yến Hoa (13”64) cán đích hạng ba. Nội dung nhảy cao nam, Đào Văn Thủy đạt thành tích 2,13 m bằng thành tích Randhawa (Malaysia) nhưng chỉ giành HCB do hơn đối thủ một lần nhảy. Nội dung nhảy ba bước nữ, Trần Huệ Hoa (13,73 m) đổi màu chiếc huy chương từ đồng sang bạc.

Bơi lội ngày thi đấu cuối, các kình ngư Việt Nam giành bốn suất đấu chung kết nhưng chỉ có mỗi Nguyễn Thị Ánh Viên thành công với chiếc HCV thứ tám ở cự ly 200 m ếch nữ. Thành tích 2’31”16 cũng là thông số duy nhất mà Ánh Viên vô địch nhưng không thiết lập kỷ lục SEA Games mới.

Tại đợt bơi chung kết 100 m bướm, Ánh Viên cán đích 6/8 VĐV dự tranh. Tương tự Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Nguyễn Diệp Phương Trâm cũng không có huy chương ở các cự ly 400 m tự do, 50 m ngửa nam, 50 m tự do nữ.

Kết thúc môn bơi, Việt Nam 10 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ đứng sau chủ nhà Singapore (23 HCV).

Rowing: Tạo nên “mưa vàng” trong ngày khai mạc khi giành đến 4 HCV, 2 HCB trong số tám nội dung thi đấu các đợt thi chung kết cự ly 500 m. Các chức vô địch thuộc về Nguyễn Văn Linh (1’13”64) thuyền mái nhẹ đơn nam; Tạ Thanh Huyền - Phạm Thu Thảo (1’13”35) thuyền mái nhẹ đôi nữ; Lê Thị An - Phạm Thị Huệ (1’38”87) thuyền đôi nữ; Nguyễn Đình Huy - Đàm Văn Hiếu (1’27”63) thuyền đôi nam. Với 4 HCV, rowing Việt Nam vượt chỉ tiêu ngay ngày xuất quân.

Bắn súng: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khẳng định vị thế số 1 nội dung 50 m súng ngắn nam. Với thành tích 190,9 điểm tại đợt bắn chung kết cá nhân, Xuân Vinh vượt qua các đối thủ Thái Lan, Malaysia đoạt chức vô địch. Nội dung đồng đội, Xuân Vinh cùng các tay súng Quốc Cường, Hoàng Phương giành HCB. Nội dung 25 m súng ngắn nữ, Việt Nam đoạt 2 HCĐ cá nhân và đồng đội.

Xe đạp đường trường: Tay đua Trịnh Đức Tâm thành tích 55’39”20 giành chiếc HCĐ cự ly 40 km cá nhân tính giờ nam.

Bóng chuyền: Đội nữ Việt Nam tạm dẫn đầu bảng B sau chiến thắng nghẹt thở 3-2 hạ Indonesia. Trận đấu vòng bảng nam, Việt Nam giành trận thắng thuyết phục 2-0 trước Indonesia tạm xếp nhì bảng B sau Campuchia.

Sau ngày thi đấu chính thức thứ sáu, đoàn TTVN giành tổng cộng 57 HCV, 31 HCB, 50 HCĐ bảo toàn ngôi á quân sau chủ nhà Singapore (66 HCV, 58 HCB, 69 HCĐ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm