Thua U-18 Campuchia và khoảng trống sau đội tuyển

Ở đây cũng cần rạch ròi chuyện ai “ném đá” và thậm chí là tích cực “ném đá” sau một thất bại của lứa trẻ ít được đầu tư hơn.

Thành công thì vỗ tay, thất bại thì “ném đá”

Chắc chắn trong những người “ném đá” tích cực đó cũng có người từng vỗ tay khen lứa U-19 vượt qua vòng đấu khắc nghiệt châu Á để tham dự World Cup U-20. Lứa cầu thủ mà cũng là HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt.

Nếu những người làm bóng đá luôn phải chấp nhận vòng xoay phong độ hoặc bao lâu mới có một lứa cầu thủ tài năng thì những người “hưởng thụ” hay thích xem, thích cổ vũ lại có thói quen cứ muốn nhìn những chiến thắng từ cấp độ đội tuyển xuống cấp độ trẻ. Nó cũng giống như người Pháp sau chức vô địch France 1998 lại không chịu chấp nhận thất bại ở World Cup 2002 vì tre già mà măng chưa chịu mọc.

Sau trận thua Campuchia, dư luận “ném đá” HLV Hoàng Anh Tuấn tơi tả và bảo rằng “ông này dở thế nên từ chức đi” dù HLV này đã tự trọng từ chức sau trận thua Campuchia.

Ông Tuấn chấp nhận sự nghiệt ngã của bóng đá. Điều mà với lứa Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Trọng Đại, Huỳnh Tấn Sinh, Hồ Tấn Tài, Bùi Tiến Dụng, Hồ Minh Dĩ… thầy trò ông từng tạo kỳ tích cho bóng đá Việt Nam tham dự World Cup U-20 và được tung hê, rồi đến thế hệ U-18 hiện nay thì thầy trò ông bị “ném đá” không thương tiếc.

Khoảng trống sau một thế hệ rất thành công với nhiều cầu thủ đã lên đội tuyển và trụ vững ở đó từ những lò đào tạo không đồng đều là điều cần nhìn vào để khắc phục. Điều đó tốt hơn là chỉ trích và ôm ấp điều mà cho là nỗi nhục bóng đá Việt Nam.

Trận thua khó nuốt trôi của bóng đá Việt Nam nhưng đừng vì thế mà dìm họ xuống. Ảnh: CTP

Rất nhiều gương mặt trẻ cần được động viên để trưởng thành hơn là chì chiết, mang thêm vết thương tuổi 18. Ảnh: TRÂM ANH

Khoảng trống sau một thế hệ

Đành rằng khó chấp nhận việc thua Campuchia nhưng cũng nên nhìn nhận sòng phẳng U-18 Campuchia chiều 15-8 hơn U-18 Việt Nam những gì.

Họ hơn ở tinh thần, hơn ở tâm lý và cái hơn lớn nhất là sự lì lợm của một nền bóng đá chịu tiếng là chưa bao giờ thắng Việt Nam.

Có ai biết rằng bảy năm qua, dưới sự trợ giúp của FIFA và LĐBĐ Nhật, 25 tỉnh, thành của Campuchia đều có học viện bóng đá do FIFA tài trợ và hầu hết các thầy Nhật làm công tác đào tạo trẻ tại đất nước này. Hãy nhìn Campuchia thi đấu tại giải U-18 Đông Nam Á này với lối chơi “lai tạo chất samurai” của Nhật. Còn các cầu thủ trẻ Việt Nam thì chịu cái bóng quá lớn của thế hệ đàn anh như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu…

Chủ nhà dự giải và thua cuộc sớm là điều khó nuốt trôi nhưng Campuchia có những thay da đổi thịt trong bóng đá do FIFA và Nhật nhiệt tình giúp đỡ thì ít ai thấy.

Thua một giải trẻ, đặc biệt là trước thềm vòng loại châu Á có khi lại là một bài học tốt để các cầu thủ trẻ nhận ra mình là ai ngay ở giải đấu trẻ của “vùng trũng” này. Bảng B giải U-18 Đông Nam Á này không thôi đã là một trải nghiệm cực tốt cho U-18 Việt Nam, vì ở đó có Úc, có Malaysia, có Thái Lan…

Lứa U-18 này không có nhiều cá nhân xuất sắc, thi đấu cũng không kết dính nhiều, tâm lý thì kém lại bị áp lực trông chờ từ dư luận.

Sự thất bại cay đắng này sẽ là bài học lớn cho các cầu thủ trẻ và cả công tác đào tạo ở nhiều lò bóng đá, nhiều học viện.

Nếu cứ đay nghiến, cứ chì chiết họ thì e rằng các em sẽ không đủ “tỉnh” lại để bước vào vòng loại U-19 châu Á sắp tới.

Trước mắt, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn còn làm nhiệm vụ ở vòng loại U-19 châu Á khởi tranh vào đầu tháng 10 khi Việt Nam cùng bảng với Nhật, Mông Cổ và đảo Guam.

Hãy chấp nhận với khoảng trống phía sau những chiến thắng tưng bừng của đội tuyển để vá đi từng lỗ thủng và để củng cố thêm nơi những lò đào tạo. Đâu phải lứa nào cũng ra đời những Công Phượng, Xuân Trường… và đâu phải những Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Duy Mạnh… cứ được sản sinh hết lứa này đến lứa khác.

Đau thì đau thật nhưng nên chấp nhận để hoàn thiện với tất cả khả năng của mình, thay vì dìm luôn lứa cầu thủ trẻ này xuống sau một thất bại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm