Thị trường chuyển nhượng ngày càng phức tạp

Ông Trần Quốc Tuấn
Ông Trần Quốc Tuấn

Ông Tuấn nói: "Tất cả thông tin về chuyển nhượng cầu thủ liên tục xuất hiện ngay khi mùa giải vừa kết thúc cho thấy nhiều CLB do lo lắng cho thành tích nên dốc sức đầu tư. Điều này cộng với việc khan hiếm các tài năng đã làm rối thị trường chuyển nhượng".

* Ông nghĩ gì khi hầu hết giá chuyển nhượng cầu thủ không đúng giá trị thực tế?

- Tôi nghĩ thị trường chuyển nhượng sẽ ngày càng phức tạp hơn nữa chứ chưa dừng lại ở đó.

* Theo ông, nếu Huy Hoàng về CLB T&T với giá 2 tỉ đồng có đắt không?

- Không thể nói rẻ hay đắt. Nếu chúng ta thấy đắt mà T&T bảo rẻ thì sao? 2 tỉ trong thời hạn bao lâu: một năm hay hai năm rồi chia bình quân mới tạm tính được. Nhưng có đi mua đắt như thế các CLB mới thấy "đau", và từ đây buộc phải giải bài toán đào tạo cầu thủ trẻ để không bị ép giá.

* Ông nói gì về tính pháp lý của các bản hợp đồng?

- Hợp đồng cũng có nhiều dạng thể hiện lắm. Nhiều hợp đồng ghi nhớ có giá trị như hợp đồng chính thức. Quan trọng là nội dung trong đó viết gì mới biết được tính pháp lý đến đâu.

Chẳng hạn, trong trường hợp VFF ký hợp đồng thuê HLV trưởng người Trung Quốc Trần Vân Phát dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ VN. Hợp đồng ghi nhớ đã thể hiện hết mọi nội dung chính, chỉ còn vài chi tiết phụ lục như ăn ở... thì "chốt" sau thôi. Trong trường hợp này, hợp đồng ghi nhớ không khác gì hợp đồng chính thức.

* Ông nói gì về câu chuyện đột tử của cầu thủ Atangana Clement Francis - người đã thử việc ở đội Quân Khu 4 qua sự giới thiệu của anh Trần Đại, một đại lý không có chứng chỉ môi giới cầu thủ chuyên nghiệp do FIFA cấp?

- VFF cũng yêu cầu đội Quân Khu 4 báo cáo sự việc vì chúng tôi quản lý về chuyên môn. Nhưng chỉ thế thôi bởi sự việc xảy ra là do các bên tự thỏa thuận với nhau nên phải tự giải quyết. Kể cả khi có kiện cáo thì VFF cũng không thể phân xử.

Theo tôi, khi đưa cầu thủ đến CLB thử việc, nên buộc phải kiểm tra HIV và kiểm tra tim bởi các mẫu thử kiểm tra này không tốn nhiều tiền.

* VN hiện có bao nhiêu đại lý FIFA, thưa ông?

- Ở VN hiện chỉ có một nhà môi giới chuyên nghiệp được FIFA cấp chứng chỉ hành nghề là bà Mae Mua.

Vụ đột tử của Francis (áo sậm) là hồi chuông cảnh báo các CLB trong việc thuê cầu thủ ngoại. Ảnh: Sĩ Huyên
Vụ đột tử của Francis (áo sậm) là hồi chuông cảnh báo các CLB trong việc thuê cầu thủ ngoại. Ảnh: Sĩ Huyên

* Dù biết rủi ro nhưng vì sao nhiều CLB lại chọn các nhà môi giới ngoài luồng mà không đến với các đại lý của FIFA, thưa ông?

- Chắc chắn rằng khi tìm kiếm cầu thủ ở nơi bà Mae Mua thì đắt hơn, vì khi chuyên nghiệp thì mức phí cao hơn bởi tôi nghe nói các giấy tờ kiểm tra sức khỏe cho cầu thủ đều được thực hiện từ nước ngoài. Còn nếu thông qua những nhà môi giới ngoài FIFA, việc tự thỏa thuận quyền lợi giữa CLB và cầu thủ khiến cả hai bên không phải tốn những khoản tiền lớn trong việc chuyển nhượng, ký hợp đồng...

Vì vậy, nhiều CLB chưa có điều kiện đến với các đại lý môi giới của FIFA đành phải chọn con đường ngoài luồng trong việc thuê cầu thủ ngoại dù biết sẽ có nhiều rủi ro.

* VFF sẽ có động thái nào để chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng này?

- VFF luôn khuyến cáo các CLB hãy làm việc qua những đại lý FIFA trong việc môi giới, chuyển nhượng cầu thủ.

Với những nhà môi giới ngoài FIFA, do hoạt động ngầm và không vi phạm pháp luật VN nên VFF khó có thể ngăn cản họ tiếp xúc với các CLB.

Không kham nổi giá chuyển nhượng

Giám đốc điều hành CLB Đồng Tháp Lê Ngọc Chức cho biết: "Đồng Tháp từng rút lui khi một đại lý FIFA đặt điều kiện phải chi tiền chuyển nhượng từ 40.000-60.000 USD/cầu thủ. Với một CLB có kinh phí hạn hẹp như Đồng Tháp thì làm sao đáp ứng được điều kiện ấy. Do vậy chúng tôi đành phải nhảy sang làm việc với các nhà môi giới ngoài luồng.

Thông thường, chỉ sau khi hoàn tất khâu thử việc cầu thủ ngoại mới chịu đi kiểm tra sức khỏe trước lúc ký hợp đồng. Tuy nhiên, qua vụ đột tử của cầu thủ Atangana Clement Francis, chúng tôi phải chú trọng hơn về khía cạnh này khi tiếp nhận ngoại binh, dù họ đến từ nguồn nào".

S.HUYÊN - TR.VŨ - (Theo Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm