Thầy ngoại đừng mơ đăng quang V-League!

HLV Miura lại nửa đường gãy gánh ở CLB TP.HCM với bản hợp đồng hai năm nhưng chỉ mới một mùa đã bị sa thải. Ông thầy Nhật này từng dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam thì không thể nói ông kém.

Có thể thành tích của đội TP.HCM không như thỏa thuận là nguyên nhân chính khiến ông Miura bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, ai cũng thấy ông thầy lành tính này bất lực do gặp quá nhiều khó khăn và hạn chế.

Mùa nào V-League cũng đón một vài thầy ngoại về huấn luyện nhưng để đạt tham vọng cho CLB thì còn lâu, nếu không muốn nói là không thể trong giai đoạn này.

Gần nhất là Thanh Hóa mùa trước có thầy ngoại Petrovic từng đoạt Cúp C1 châu Âu vẫn chia tay vào cuối mùa do không thể giúp đội nhà vô địch V-League. Khi đi, ông thầy người Serbia còn để lại đánh giá lạ đời: “Ban tổ chức cần trao giải cho đội vô địch trước, còn những thứ hạng khác cho các CLB tranh nhau, khỏi tốn công, mất sức”.

HLV Miura không thể tin được hai lần đến Việt Nam huấn luyện đội tuyển và CLB TP.HCM thì cả hai lần đều bị chấm dứt hợp đồng sớm. Ảnh: XUÂN HUY

Năm ngoái Hà Nội vô địch và ông Petrovic không khó nhìn ra trở lực ngăn cản và chống lại không chỉ Thanh Hóa khi sự thao túng V-League trong tay một ông bầu là có thật.

Hồi đầu mùa này, Thanh Hóa lại mời HLV Marian Mihail từng giữ chức giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Romania nhưng vội sa thải chỉ sau bốn vòng đấu. Thầy nội trẻ Nguyễn Đức Thắng lên cầm quân đã không có chuyện trò đá “rụng” ghế của thầy và một mạch lên ngôi á quân.

Một HLV ngoại khác góp mặt ở V-League là ông Chung Hae-seong của đội HA Gia Lai. Ông thầy người Hàn Quốc này từng là trợ lý HLV Hiddink thời Hàn Quốc vào tốp 4 thế giới tại World Cup 2002. Sự nghiệp huấn luyện của ông Chung ở quê nhà còn huy hoàng hơn đồng nghiệp Park nhưng về với HA Gia Lai thì ông không thể tỏa sáng.

Ông Chung từng đưa ra cái đích giúp đội bóng phố núi đứng hạng 7-8 mùa này đã thất bại khi HA Gia Lai cập bến ở hạng 10. Nhiệm vụ càng nặng nề hơn cho ông Chung ở mùa sau với tham vọng vô địch.

Có thể thấy ba ông thầy ngoại lăn lộn ở V-League mùa này đều sở hữu bản lý lịch vàng với trình độ lẫn kinh nghiệm thực tiễn đều tốt, vậy mà không thể trở thành thần tượng mới như kiểu của HLV Calisto với đội ĐT Long An hồi năm 2005-2006.

HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải rút ra kinh nghiệm xương máu sau hai lần gần nhất đưa B. Bình Dương vô địch là đội hình cần đủ mạnh để thắng hết một nhóm đội thân quen mới có thể trở thành số một.

Cho nên một khi thầy ngoại còn lờ mờ về bản chất của cuộc chơi V-League mà không ngờ đến đòn hội đồng thì giỏi cỡ nào cũng “thân bại danh liệt”.

Bầu Hiển vô đối

Trong 10 năm qua, chỉ có thầy nội mới đủ sức cầm quân vô địch V-League, như thời của HLV Phan Thanh Hùng và sau là Chu Đình Nghiêm bốn lần giúp Hà Nội đăng quang. Đội bóng ruột của bầu Hiển có đến bốn mùa vô địch, bốn ngôi á quân và một lần hạng ba. Đấy là chưa kể các CLB “vệ tinh” như SHB Đà Nẵng hai lần đăng quang và Quảng Nam một lần. Bình Dương có hai lần vô địch bởi nội lực của họ quá mạnh với nguồn kinh phí dồi dào và sẵn sàng thách thức mọi đối thủ. Đội hình của B. Bình Dương năm 2014-2015 lên ngôi tương tự thời HA Gia Lai 2003-2004 vô đối với dàn cầu thủ ngôi sao mà HLV Songamsak thơm lây cùng hai chức vô địch. Còn lúc này, bầu Hiển sẽ không có đối thủ và có thể còn nhiều mùa nữa cho đến khi V-League lập lại trật tự với cuộc chơi công bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm