Thai-League ‘rút ruột’ V-League

Không lâu sau thì V-League được “gắn sao” là giải vô địch số một Đông Nam Á. Việc phân cấp dựa vào tiền các CLB Việt Nam mua cầu thủ dù những người “phân hạng” khi ấy không hề biết các CLB Việt Nam lấy tiền ở đâu để nuôi bóng đá.

17 năm sau sự kiện Kiatisak cùng hàng loạt tuyển thủ Thái Lan tìm đến V-League và thậm chí là nhiều người xin nhập quốc tịch để ưu tiên suất đá cho ông chủ CLB của mình, Thai-League lại “hút hàng” các ngôi sao Đông Nam Á, biến sân chơi của mình thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ.

Thai-League nhắm vào thị trường Đông Nam Á qua việc mở quota kể từ mùa giải 2019, các CLB Thái Lan được phép sử dụng ba cầu thủ Đông Nam Á trong đội hình. Việc những nhà tổ chức Thái Lan đi dần đến nước cờ “cấp phép” cho cầu thủ khối Asean trở thành “cầu thủ nội” không nằm ngoài mục tiêu đưa nhiều ngôi sao Đông Nam Á đến với Thai-League như Đặng Văn Lâm (Muangthong United), Lương Xuân Trường (Buriram United) hay bộ đôi ngôi sao Myanmar Zaw Min Tun, Sithu Aung (Chonburi) trở thành “người nhà” của Thai-League.

Xuân Trường trước thử thách mới ở Thai-League, nơi được xem là đang “rút ruột” bóng đá Đông Nam Á. Ảnh: CTV

Tất nhiên việc để “rút ruột” các ngôi sao Đông Nam Á đến với Thai-League vấn đề quan trọng để thuyết phục là môi trường và đồng tiền.

Nếu các CLB Việt Nam như B. Bình Dương thời săn cúp vô địch có năm tiêu tốn khoảng 100 tỉ đồng để có một dream team thì sau này kinh phí trên rút xuống dưới một nửa, tức chỉ khoảng 40-45 tỉ/năm. Hay HA Gia Lai từng nổi đình nổi đám với thương vụ Kiatisak thì sau này chính ông chủ CLB đăng đàn rằng chỉ cần hơn 15 tỉ đồng cho một mùa bóng để CLB của ông sống được…

Nghịch lý ở các CLB Việt Nam là đa phần chỉ tính khoản chi chứ không ai tính khoản thu do phần thu thường là khoản khác mà các ông chủ CLB được ưu ái khi cùng địa phương duy trì đội bóng.

Ngược lại thì Thai-League đang “rút ruột” cầu thủ Đông Nam Á lại đi đúng với hình thức dùng tiền thu của bóng đá nuôi bóng đá. Chẳng hạn Buriram United, CLB mới của Lương Xuân Trường, doanh thu chỉ riêng năm 2017, năm họ đoạt chức vô địch quốc gia là 800 triệu baht (trên 560 tỉ đồng). Cao hơn là Muangthong United, CLB mà Đặng Văn Lâm vừa đầu quân với doanh thu gần đến ngưỡng 1 tỉ baht/năm.

Sau cuộc ra đi của Đặng Văn Lâm cùng lễ đón tiếp rình rang như một ngôi sao có hạng và mức lương được bật mí khoảng 250 triệu đồng/tháng, không ít cầu thủ Việt Nam thèm với việc tìm một suất chơi ở Thai-League để đổi đời và tìm cơ hội mới.

Con số này không chỉ Văn Lâm được “độc quyền” khi năm ngoái chân sút số một của đội tuyển Myanmar Aung Thu khoác áo Police Tero đã có mức lương 350.000 baht/tháng (trên 245 triệu đồng). Hay thủ môn Hassan Sunny của Singapore sang Thai-League chỉ một năm đã nhận 4,8 triệu baht (hơn 3,3 tỉ đồng)…

Tất nhiên ở Thai-League khi nhận đồng tiền khủng cũng phải chịu nhiều áp lực bởi người Thái “mua” cầu thủ Đông Nam Á không chỉ để đá bóng mà còn để phục vụ cho chiến dịch kinh doanh mà họ muốn “phủ sóng” sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Họ “mua” tài năng và cả tầm ảnh hưởng rồi khai thác với yêu cầu khắt khe. Điển hình đã có cầu thủ Việt Nam từng bị đào thải bởi quy luật này là Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội sang Buriram United thử việc thời gian ngắn và bị trả về. Chính Hoàng Vũ Samson cũng thừa nhận Thai-League khác xa V-League nơi mà đãi ngộ cao nhưng yêu cầu hòa nhập và thể hiện cũng cực kỳ khắt khe bởi ở đấy người Thái đã và đang đi theo đúng mô hình của người Anh làm Premier League.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm