Tập trung đội tuyển quốc gia: Đóng khung đội tuyển

Đội tuyển Việt Nam chỉ còn hai trận giao hữu với Thái Lan ngày 16-11 trả nợ T&T Cup (hoãn do trời mưa) và đáp lễ Singapore trên sân khách ngày 26-11. Nhưng đến giờ, ông Calisto vẫn còn lắp ghép và chưa ăn ngon ngủ yên với những mảnh lego còn dang dở...

Giải pháp lạ cho “bệnh xệ cánh”

Trận thứ tám gặp CHDCND Triều Tiên cách đây một tuần không thắng nhưng dường như Calisto đã chọn xong quân đỏ với thử nghiệm cuối một suất hậu vệ cánh trái. Quang Thanh gần như chắc chắn phải giữ cái hành lang ấy sau hàng loạt phép thử ở 720 phút đá giao hữu. Thực sự đấy không phải là vị trí sở trường của Quang Thanh bởi ở Bình Dương, anh chỉ đá hậu vệ phải và nếu có xé vai thì cũng là tiền vệ phải.

Calisto tìm đỏ mắt và loay hoay chọn lựa người đá hậu vệ trái, thế mà khi đặt bút gút lại danh sách cuối cùng, ông đã gạch tên Văn Nhiên. Nghĩa là ông chỉ giữ lại Hoàng Vương chuyên đá biên trái để làm... dự bị sau khi đã đặt Việt Cường sang phải và đẩy Quang Thanh sang trái. Vừa quá thừa người vừa quá phí người cho một vị trí buộc phải vá víu.

HLV Calisto lâu nay vẫn thích lấy cầu thủ đa năng nhưng vẫn thấy chút lợn gợn khi ông không muốn đầu tư chuyên trách. Ông bắt Quang Thanh và Việt Cường phải đá trái kèo nhau rồi xem đấy là một giải pháp khả dĩ nhất (!?).

Thêm một chút thắc mắc với suất của Thanh Giang - học trò cũ của Calisto ở Gạch sau 720 phút không dám cho ra sân nhưng ông vẫn giữ lại để làm gì bên cạnh bốn trung vệ rất cứng và từng chơi với nhau nhiều hơn.

Calisto trông cậy trò cũ ở Gạch?

Calisto có bốn cầu thủ chạy cánh (Thành Lương, Bảo Khanh, Vũ Phong, Tấn Tài) đủ hạn chế sự khập khiễng và rủi ro nhưng đến lúc này ông vẫn chưa thể vững tâm ở trục giữa. Minh Châu (hay Công Minh) đánh chặn tốt từ xa và giỏi chịu đựng nếu gặp các đối thủ mạnh hơn. Khổ nỗi ở sân chơi Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam là một thế lực lớn và Calisto muốn xây dựng cho mình một tư thế kèo trên khiến ông rất cần mẫu tiền vệ biết tổ chức tấn công hơn.

Trong khi Tài Em lẫn Minh Phương đều sa sút do chấn thương, ông Calisto mới chợt nhớ đến Trường Giang. Nhớ lần hội quân đầu tiên, Calisto từng gọi Trường Giang lên tuyển sang Indonesia cho đá giao hữu 20 phút cuối rồi... quên luôn ở ba lần tập trung sau đó. Đến sau trận gặp Singapore, ông lại nhớ đến học trò cũ ở Tiger Cup 2002 mới gọi trở lại nhưng cũng chỉ dám cho đá 10 phút cuối trận gặp CHDCND Triều Tiên.

Nhưng cái suất của Trường Giang rất dễ khiến người ta nghĩ đến sự ưu ái học trò cũ hồi sáu năm trước bởi thời điểm này, anh không có phong độ tốt và thậm chí ở Bình Dương trận đá trận không. Có thể việc gọi Trường Giang lên tuyển của Calisto là không bất ngờ sau nhiều lần thử nghiệm các tiền vệ tấn công làm ông phải khổ sở nhào nặn người làm bóng và dẫn dắt thế trận. Tuy nhiên, gánh nặng tuổi tác lẫn sự thích nghi của Trường Giang không cho phép Calisto dám mạo hiểm, kể cả nếu Minh Phương và Tài Em không có phong độ tốt.

Còn gần một tháng nữa, ông Calisto chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng vào sự phục hồi của cặp tiền vệ Gạch.

Chờ hàng công lên tiếng

Đội tuyển có bốn tiền đạo nhưng chỉ có cặp Công Vinh-Việt Thắng chắc suất cho dù hiệu suất ghi bàn lẫn khả năng hỗ trợ nhau đang gặp vấn đề. Mãi đến trận đấu thứ tám, ông Calisto mới thay đổi lối chơi hai tiền đạo liên tục hoán đổi vị trí cho nhau thay vì cố định “một thò một thụt” như trước đây.

720 phút với sáu trận thua, hai hòa, Công Vinh mới có ba bàn, Việt Thắng một bàn từ chấm 11 m, ông Calisto không đau đầu mới lạ. Chân sút Quang Hải cần cù luôn có mặt ở các đợt tập trung đội tuyển nhưng chưa bao giờ Calisto đánh giá cao sự bùng nổ của anh. Thế nên rất dễ hiểu khi Calisto gọi trở lại Thanh Bình như một cứu tinh và có thể gây đột biến từ hàng ghế... dự bị.

CÔNG TUẤN

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm