Nhật Bản không xứng đáng đi tiếp ở World Cup hay lỗi tại FIFA?

Trước lượt trận cuối bảng H VCK World Cup 2018, Nhật Bản và Senegal dẫn đầu với cùng 4 điểm, cùng hiệu số 4-4, Colombia xếp thứ hai với 3 điểm còn Ba Lan 0 điểm đã bị loại sớm 1 vòng đấu. Cuộc đối đầu ở loạt trận thứ ba giữa Nhật Bản và Ba Lan, Colombia và Senegal diễn ra trong tâm thế nhìn nhau mà đá.

Dù thi đấu không Fair Play nhưng Nhật Bản vẫn đi tiếp nhờ... Fair Play

Kết quả, Nhật thua Ba Lan 0-1 còn Senegal cũng bị Colombia đánh bại với tỉ số tối thiểu 1-0. Chung cuộc, Colombia từ vị trí thứ ba vượt lên dẫn đầu bảng, đẩy Nhật và Senegal vào cuộc cạnh tranh hi hữu nhất lịch sử World Cup.

Theo đó, cả Nhật Bản lẫn Senegal đều có cùng 4 điểm, cùng hiệu số bàn thắng bại 4-4 và đối đầu trực tiếp hòa nhau 2-2. Tất cả chỉ số của hai đội đều bằng nhau và lúc này, cách tính điểm Fair Play lần đầu tiên được FIFA áp dụng đã được xét đến nhằm xác định thứ hạng của hai đội. Nhật chỉ nhận bốn thẻ vàng còn Senegal nhận đến sáu thẻ sau vòng bảng. Vì thế, Nhật vượt lên đứng thứ nhì và đi tiếp còn Senegal bị loại đầy đau đớn.

Fair Play trong bóng đá nôm na được gọi là bóng đá đẹp, bóng đá cao thượng, đề cao lối chơi đẹp, hấp dẫn, hết mình với tinh thần không toan tính. Tuy nhiên, cách tính điểm Fair Play của FIFA dựa trên những con số cụ thể nhưng vô tri vô giác. Đó mới là vấn đề gây tranh cãi và khiến Senegal không phục.

Cầu thủ Ba Lan phải chờ gần năm phút mới được vào sân thay người vì cầu thủ Nhật Bản cứ chuyền qua chuyền lại.

Cụ thể dù Fair Play đề cao bóng đá cao thượng, bóng đá đẹp nhưng tuyển Nhật Bản đã thi đấu 10 phút cuối trong trận gặp Ba Lan theo cách đầy toan tính và mưu mô, nó phá nát nét đẹp của bóng đá, tinh thần cao thượng của thể thao. 10 phút cuối trận đó, các cầu thủ Nhật thi đấu như trên sân tập, họ chơi “đá ma” cứ chuyền bóng qua lại câu giờ chờ tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài.

Hành động không đẹp của Nhật Bản khiến ngay cả những cổ động viên nhà phải la ó, huýt sáo. Vậy thì Nhật đi tiếp nhờ đá Fair Play hơn Senegal liệu có chính xác và công bằng? Có một cái gì đó bất công với người Senegal bởi phương châm của Fair Play rất cụ thể, nó được FIFA quy định rất rõ ràng và được gọi là Fair Play Code với 10 tiêu chí.

Và người Nhật đã vi phạm vào rất nhiều điều trong Fair Play Code nhưng vẫn đi tiếp. Đó là điều nghịch lý khiến người Senegal ôm hận và không phục. Nhật Bản không xứng đáng tiếp tục hành trình ở World Cup hay lỗi tại FIFA gây nên một scandal lớn ở VCK World Cup năm nay.

Các cầu thủ Nhật Bản vui mừng khi biết mình đi tiếp.

Ai phải chịu trách nhiệm cho điều này? LĐBĐ thế giới (FIFA) đã có cả bộ… code gồm 10 điều nói về Fair Play là như thế nào nhưng lại không áp dụng nó vào World Cup 2018. 10 tiêu chí Fair Play của FIFA gần như mang tính định tính khó có thể áp dụng vào thực tế.

Đó có thể là lý do tổ chức cao nhất của bóng đá thế giới lại áp dụng những tiêu chí cụ thể thông qua thẻ phạt để xác định thế nào là Fair Play...

Fair Play Code: 10 tiêu chí cao thượng của FIFA

1. Play Fair

2. Play to win but accept defeat with dignity

3. Observe the laws of the Games

4. Respect opponent teammates, referees, officials and spectators

5. Promote interest of football

6. Honour those who defend football is good reputation

7. Reject corruption, drugs, racism, violence gambling and other dangers to our sport

8. Help others to resist corrupting pressures

9. Denounce those who attempt to descredit our sport

10. Use football to make a better world

1. Thi đấu cao thượng (công tâm)

2. Thi đấu để thắng, chấp nhận thua cao thượng (toàn tâm toàn ý)

3. Tuân thủ luật chơi

4. Tôn trọng đối phương, đồng đội, trọng tài, quan chức, khán giả

5. Cổ vũ vì lợi ích bóng đá

6. Tôn vinh những người cống hiến cho bóng đá

7. Chống tiêu cực, chất kích thích, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cờ bạc và mối nguy hiểm cho bóng đá

8. Giúp mọi người chống lại áp lực của tiêu cực

9. Tố giác những người gây tai tiếng cho môn thể thao của chúng ta

10. Sử dụng bóng đá để làm cho thế giới tốt hơn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm