MÔN BI SẮT:

“Quốc hồn, Quốc túy” ở Lào

Chơi vì vui

Người Pháp du nhập Bi sắt vào Lào từ thế kỷ trước, và Lào trở thành cái nôi của bi sắt khu vực. Nó phát triển mạnh đến mức có thể coi là quốc hồn quốc tuý.

Trả lời câu hỏi của người viết về vấn đề này, anh Khểm Thoong, một người rất đam mê Bi sắt ở Viêng Chăn, cho biết : “Chúng tôi thích bi sắt bởi nó dễ chơi, không cần đầu tư nhiều mà vẫn đem lại sự vui vẻ, điều này rất phù hợp với tính cách của người Lào. Để đầu tư cho Bi sắt, chúng tôi chỉ cần một khoảng sân nhỏ, rộng từ 1-2m, dài tối thiểu 6m, một vài viên bi và một cái bàn để có thể bày thức ăn, đồ uống để mọi người có thể vừa chơi vừa ăn, thế là đủ”.

“Quốc hồn, Quốc túy” ở Lào ảnh 1
Bi sắt gần như trở thành môn thể thao quốc gia ở Lào

Đồng tình với quan điểm này, anh Khăm Chăn, một công chức Viêng Chăn cho biết, người Lào yêu Bi sắt đến mức có thể đánh bất cứ lúc nào nếu có thời gian, bản thân anh chiều nào sau khi kết thúc giờ làm việc cũng cùng đánh Bi sắt với các đồng nghiệp đến tối muộn mới về. Vào những ngày nghỉ, anh lại cùng các thành viên trong họ hàng tổ chức chơi tại sân nhà.

Anh Khăm Chăn cho biết, không kể các sân Bi sắt được làm tại rất nhiều gia đình, hầu hết các công sở cũng đều dành một khoảng sân nhỏ để cán bộ công nhân viên có thể chơi Bi sắt khi hết giờ làm. Sở dĩ Bi sắt có sức hút với người Lào đến vậy là vì nó dễ chơi và ai cũng có thể chơi, trừ trẻ quá nhỏ. Đặc biệt, nó đáp ứng được đặc tính của người Lào là không quá căng thẳng, mỗi ván đấu không dài, do đó vừa chơi vừa có thể nghe nhạc, ăn uống.

Tấm HCV lịch sử

Chủ tịch Liên đoàn Bi sắt Lào, ông Khăm Mùi, lại có quan điểm hơi khác về vấn đề này. Ông cho biết, mặc dù trước đây trò chơi Bi sắt khá phát triển tại Lào, nhưng nó chỉ thực sự trở thành phong trào rầm rộ kể từ năm 2000, khi Lào giành được HCV đầu tiên tại ASIAD và HCV thứ hai tại SEA Games 21.

Giải thích về lí do này, ông Khăm Mùi cho biết, là một quốc gia còn nghèo, không có nhiều tiền để đầu tư cho thể thao, nên các đoàn thể thao của Lào trước đây ít khi có được huy chương, đừng nói đến HCV. Chính vì khi thấy đầu tư cho Bi sắt chẳng tốn bao nhiêu mà đem lại hiệu quả cao, Liên đoàn Bi sắt đã phát động phong trào để toàn dân tham gia, và kể từ đó phong trào chơi Bi sắt tại Lào đã phát triển rầm rộ và có quy củ và thành quả là từ SEA Games 21 tới 24, lần nào các VĐV Bi sắt cũng đem HCV về cho đất nước.

Ông Khăm Mùi cho biết: “SEA Games 25 cũng không ngoại lệ, chúng tôi đã đặt chỉ tiêu sẽ giành ít nhất 4 HCV và trong số 11 nội dung thi đấu của bộ môn này”.

Theo Phạm Văn Kiên (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm